Theo chuyên gia dự báo, bão số 3 sẽ gây ra mưa rất lớn từ chiều tối nay 21/7. Mưa sẽ đạt đỉnh vào đêm nay và rạng sáng mai (22/7), khi tâm bão tiến gần đến vùng ven biển nước ta.
Sáng 21/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết bão số 3 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và tiến vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ.
Lúc 12 giờ trưa 21/7, tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 140km, Hải Phòng 280km; sức gió mạnh cấp 9–10, giật cấp 12. Dự báo trong đêm nay, bão sẽ tiếp tục mạnh lên cấp 10–11, giật cấp 14, hướng vào vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.

Phân tích về diễn biến và tác động của bão, bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên chính, Phòng Dự báo số trị viễn thám (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), cho biết, bão số 3 đã chính thức đổ bộ vào khu vực phía Nam Trung Quốc trong đêm 20/7, sau đó di chuyển qua bán đảo Lôi Châu và tiến xuống vịnh Bắc Bộ vào rạng sáng 21/7.
Ban đầu, bão di chuyển chậm, tuy nhiên trong vài giờ gần đây, tốc độ đã tăng lên trung bình khoảng 15 km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc.
Trên ảnh mây vệ tinh, hoàn lưu bão có phạm vi rộng, bao phủ toàn bộ khu vực phía Đông Bắc Bộ và kéo dài đến phía Đông bán đảo Lôi Châu.
Tuy nhiên theo bà Bình, các khối mây đối lưu dày, là những đám mây có khả năng gây mưa lớn, hiện vẫn tập trung ở phạm vi hẹp. Do đó, trong sáng nay, khu vực Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu trời nhiều mây, chưa có mưa lớn xảy ra.
Dự báo trong những giờ tới, khi bão tiến sát đất liền Việt Nam, tổ chức mây sẽ ổn định hơn, cường độ bão có khả năng tăng. Mưa dự kiến sẽ gia tăng từ chiều tối 21/7, đạt đỉnh vào đêm nay và rạng sáng mai (22/7), khi tâm bão tiến gần đến vùng ven biển nước ta.
Đáng lưu ý, khi bão kết hợp với gió Đông Bắc, mưa sẽ tăng mạnh tại các khu vực địa hình như vùng núi phía Đông Bắc, đặc biệt là tại vùng núi Thanh Hóa và Nghệ An. Với cấu trúc địa hình phức tạp của dãy Trường Sơn, đây được dự báo là vùng mưa lớn nhất do bão gây ra.
Lượng mưa cực đoan có thể dẫn đến nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, và đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực đồi núi.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, hiện tượng sạt lở đất không chỉ xảy ra trong thời điểm mưa lớn, mà còn có thể xuất hiện sau khi bão đã đi qua do đất đá đã bị bão bão hòa nước.
Theo bà Bình, “người dân thường chỉ lo sạt lở trong lúc mưa lớn, nhưng trên thực tế, sau khi bão tan, thời tiết vẫn tiếp tục có mưa rải rác, nền đất đã yếu và ngấm nước lâu ngày nên nguy cơ sạt lở càng cao. Đã từng có nhiều trường hợp xảy ra sạt lở nghiêm trọng dù mưa đã giảm”.
Người dân tại các khu vực có nguy cơ cao cần đặc biệt cảnh giác, theo dõi sát các bản tin dự báo và chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Theo Congly.vn