Ngày 9/1, buổi trò chuyện ra mắt sách với chủ đề “Sống Trong Bão Táp Truyền Thông” đã diễn ra tại Q.1, TP.HCM, quy tụ hai tác giả Trần Lê Sơn Ý và Nguyễn Tường Bách.
Truyền thông đã, đang và sẽ tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống hiện đại. Nó làm thay đổi những hệ thống giá trị tưởng chừng bền vững trong xã hội con người. Ngay cả những nền văn hóa Á Đông vốn đề cao sự ổn định như Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Giữa bối cảnh đó, theo hai tác giả, trước những “khủng hoảng” – các vấn đề không hài hòa, thiếu giải pháp và mất cân bằng trong đời sống xã hội, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh để thích ứng và tìm kiếm hạnh phúc.
Buổi trò chuyện mang đến hai góc nhìn thú vị về vấn đề này. Với sự nhạy cảm của một người phụ nữ, tác giả Trần Lê Sơn Ý đã chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về tác động của truyền thông lên đời sống gia đình, điều mà chị đã gửi gắm trong hai cuốn tản văn “Yêu thương là tự do” (2018) và “Thương một tình thương” (2024).
Ở một góc độ khác, kỹ sư, nhà văn Nguyễn Tường Bách, người Việt Nam đã sống 60 năm tại Đức, lại “nhìn thấy” truyền thông theo một nhãn quan khác, đúc kết từ những trải nghiệm du hành qua nhiều khung cảnh văn hóa, chứng kiến xã hội phương Tây biến đổi trong các bước nhảy vọt về truyền thông. Quan điểm này được ông thể hiện rõ nét trong cuốn sách đối thoại “Cân bằng trong khủng hoảng”, đồng tác giả với Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Sự kiện giới thiệu hai cuốn sách đáng chú ý: “Thương một tình thương” và “Cân bằng trong khủng hoảng”, khơi gợi nhiều suy tư về ảnh hưởng của truyền thông đến đời sống hiện đại.
Qua gần 300 trang sách, “Cân bằng trong khủng hoảng”, tập trung vào các đề tài gắn bó mật thiết với đời sống như sức khỏe, môi trường, tôn giáo, giáo dục, truyền thông, bạo lực, lòng trắc ẩn và chênh lệch giàu – nghèo…, không chỉ là vấn đề thời sự, những chủ đề này còn được nhìn nhận như các gốc rễ dẫn đến khủng hoảng xã hội hiện nay.
Theo Congly.vn