Quý II/2025 đánh dấu bước hồi phục rõ nét của thị trường bất động sản, khi loạt tín hiệu tích cực xuất hiện trên toàn bộ phân khúc. Tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính và định hình lại hạ tầng đã giúp nhiều địa phương “lột xác”, mở ra kỳ vọng tăng trưởng bền vững cho nửa cuối năm.
Sáp nhập hành chính: Tạo cú hích phát triển
Theo báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam, quý II/2025 ghi nhận sự tăng trưởng đồng bộ trên mọi phân khúc, bao gồm nhà ở, nghỉ dưỡng, công nghiệp và thương mại. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 55%, trong khi BĐS thương mại – công nghiệp tiếp tục duy trì mức lấp đầy cao.
Cùng với đó, hơn 36.000 sản phẩm mới được tung ra thị trường trong quý II – tăng gấp 2,5 lần so với quý I và tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn cung 6 tháng đầu năm lên tới 64.000 sản phẩm, đạt 80% tổng cung năm 2024.
Tuy nhiên, thị trường cũng bộc lộ một số bất cập. Nguồn cung nhà ở giá hợp lý vẫn còn khan hiếm, trong khi phân khúc cao cấp lấn át. Giá đất tại nhiều khu vực “ăn theo” các đại dự án hoặc sau sáp nhập hành chính tăng ảo, gây rối loạn thị trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính phân tích, quá trình sáp nhập đơn vị hành chính đang mang lại hiệu quả kép: Tận dụng quy hoạch tổng thể từ trung tâm lớn và mở rộng không gian phát triển vùng ven.
“Các địa phương sau sáp nhập không chỉ khai thác tốt thế mạnh vốn có mà còn tận dụng được nền tảng quy hoạch và kinh nghiệm quản lý từ các trung tâm lớn. Đô thị trung tâm mở rộng không gian phát triển, vùng ven trở thành lựa chọn lý tưởng cho nhà ở lan tỏa từ nội đô”, ông Đính nhận định.
Điều này đang tạo nên ba cực tăng trưởng mới: Miền Bắc với Hải Phòng – Hải Dương hợp nhất, trở thành siêu đô thị lớn thứ 3 cả nước.
Miền Trung ghi nhận Đà Nẵng bứt phá với dư địa mở rộng mạnh.
Miền Nam tiếp tục là “sân chơi” của TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt khu vực Đông Bắc với hạ tầng hoàn thiện và tốc độ đô thị hóa cao.
Thị trường chờ “cú hích” thể chế và công nghệ
Báo cáo cũng chỉ ra một loạt vướng mắc thể chế như: Chi phí đất đai cao, bảng giá đất chưa minh bạch, thiếu cơ sở phản ánh đúng giá trị thị trường. Nhiều chuyên gia đề xuất sớm ban hành bảng giá đất mới theo nguyên tắc thị trường, nhằm tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng và khơi thông nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó, việc số hóa giao dịch BĐS và đề xuất thành lập Trung tâm Giao dịch BĐS và Quyền sử dụng đất đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng thầm lặng” giúp minh bạch hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi người dân và rút ngắn thời gian giao dịch.
Dự báo cho nửa cuối 2025, nếu thị trường tiếp tục giữ vững đà phục hồi, kết hợp với cải cách thể chế và kiểm soát dòng vốn hiệu quả, nguy cơ bong bóng sẽ được đẩy lùi, mở ra một giai đoạn phát triển ổn định và bền vững cho BĐS Việt Nam.
Theo Congly.vn