Để phát huy tốt ý nghĩa của chính sách thuế thu nhập cá nhân có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù liên quan y tế, giáo dục, nhà ở, điển hình như lãi vay mua nhà… trước khi tính thuế.
Đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khi tính thuế
Tại hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vừa được công bố, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã đề xuất rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế.
Phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ đối với các khoản chi cần được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại thu nhập trong nền kinh tế.

Trên thực tế, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, ngoài các khoản bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, giảm trừ gia cảnh bản thân đã được tự động gộp vào và loại trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Một số người còn được giảm trừ cho người phụ thuộc và giảm trừ các chi phí liên quan đến đóng góp cho quỹ từ thiện, khuyến học.
Tuy nhiên, ngoài các khoản bảo hiểm nói trên, nhiều người hiện nay cũng đang phải chi trả không ít cho các gói bảo hiểm sức khỏe cá nhân, bảo hiểm nhân thọ. Đây đều là các nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân nhằm bảo vệ toàn diện cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến y tế, nằm viện, khám chữa bệnh hàng năm cũng chưa được tính vào khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân.
Góp ý vào Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), rất nhiều ý kiến cho rằng, khi tính thuế thu nhập cá nhân, nên giảm trừ trước khi tính thuế cho các khoản liên quan đến y tế, giáo dục, nhà ở, điển hình như lãi vay mua nhà trả góp cho người nộp thuế; cần tính đến các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán nhằm bảo đảm mục tiêu góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
Đồng tình theo đề xuất của Bộ Tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần thay đổi tư duy xây dựng chính sách thuế. Phải xem xét quyền lợi và yêu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân vào các khoản được giảm trừ trước khi tính thuế. Qua đó thể hiện tính đúng đắn, nhân văn của chính sách.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, bản chất của thuế thu nhập cá nhân là dành cho những người có mức thu nhập trung bình khá trở lên. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế chắc chắn phải có các chi phí ăn uống, học hành, đi lại, khám chữa bệnh, nhà ở… Đặc biệt trong đó cần bổ sung quy định giảm trừ lãi vay mua nhà trả góp trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Bởi tại các TP lớn giá nhà ở đắt đỏ. Nếu lãi vay mua nhà trả góp được trừ vào chi phí trước khi tính thuế, người dân sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân để giúp người mua nhà trả góp đỡ vất vả hơn.
Nhu cầu ăn, ở, khám chữa bệnh, học tập nâng cao tay nghề… là nhu cầu chính đáng, hợp pháp của con người. Người lao động cần phải an cư lạc nghiệp mới an tâm cống hiến. Vì vậy, bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù, đặc biệt là khoản lãi vay mua nhà trước khi tính thuế là chủ trương đúng đắn, bảo đảm an sinh xã hội.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Còn theo Phó Tổng Giám đốc tư vấn Thuế Delotitte Việt Nam Vũ Thu Hà, lộ trình và cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần được xây dựng và phản ánh vào Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc thiết kế các hình thức giảm trừ đa dạng hơn thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại. Ví dụ, cho phép giảm trừ một số chi phí sinh hoạt và tiêu dùng thường xuyên của người nộp thuế trên cơ sở thực tế phát sinh, giảm trừ trực tiếp một khoản tiền nhất định vào số thuế phải nộp đối với người nộp thuế có số thuế phát sinh lớn, hoặc áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho các đối tượng người phụ thuộc khác dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập.
Phù hợp xu hướng chung của thế giới
Hầu hết pháp luật thuế thu nhập cá nhân của các nước trên thế giới đều quy định việc giảm trừ theo các hình thức, cách thức khác nhau. Các nước thường chia thành 3 nhóm: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ…; các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…).
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho biết, trong những năm gần đây, Singapore hay Thái Lan đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cao hơn nhằm khuyến khích và hỗ trợ người lao động, tạo động lực cho sự phát triển. Việc giữ mức giảm trừ gia cảnh quá thấp có thể dẫn đến áp lực thuế, giảm chi tiêu và đầu tư tư nhân, ảnh hưởng đến tổng cầu và từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Phạm vi các khoản giảm trừ này ở các nước cũng rất đa dạng. Có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con hoặc có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp…
Cụ thể, tại Nhật Bản và Thái Lan đều loại trừ các chi phí mua gói bảo hiểm sức khỏe cá nhân, bảo hiểm nhân thọ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhật Bản còn khấu trừ các khoản chi phí khám chữa bệnh nếu trong một năm chi tiêu cho y tế hơn 100.000 yen/người (khoảng 16,5 triệu đồng/năm). Thái Lan cho phép khấu trừ đến 60.000 baht/trường hợp (khoảng 45 triệu đồng) với các chi phí thai sản. Cả hai quốc gia này cũng cho phép tính chi phí lãi vay ngân hàng với trường hợp vay thế chấp tài sản vào khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Như vậy những người đang vay thế chấp qua ngân hàng cũng giảm được phần nào gánh nặng thuế thu nhập cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần điều chỉnh các phương pháp tính thuế phù hợp với bản chất của thu nhập. Theo đó, cần quay lại phương pháp tính thuế theo kê khai đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ chứng khoán và thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú… để bảo đảm không ảnh hưởng gây tác động méo mó đến thị trường từ chính sách thuế. Mặt khác, cần gia tăng các công cụ để kiểm soát đúng, đủ thu nhập của người nộp thuế trên tất cả các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công đến thu nhập từ kinh doanh và các khoản thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, chuyển nhượng vốn…
Thực tế từ những lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh trước cho thấy, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh không tạo ra tác động bất lợi về mặt thu ngân sách. Hơn nữa, xét về mặt tích cực, việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh thậm chí có thể đóng vai trò khuyến khích mức độ tuân thủ của người nộp thuế, khi mức giảm trừ đã được thiết kế để phản ánh thực tế và công bằng hơn mức sống của người dân. Do đó, về tổng thể còn có thể giúp tăng nguồn thu, tăng mức tiêu dùng (do đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa), tăng sức cạnh tranh về môi trường lao động so với các nước trong khu vực.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được
Theo kinhtedothi.vn