Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024
26 C
Hanoi
Chủ Nhật, 1/12/2024, 17:32

Cải cách môi trường kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Kinhtedothi- Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại.

Điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi

Theo Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tỷ lệ DN kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng từ 6%-6,5% và trên 6,5% tăng mạnh, cao hơn dự đoán đầu năm. Tâm lý DN đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2024 đang ngày càng cải thiện rõ nét. Tỷ lệ DN kỳ vọng tăng trưởng từ 6%-6,5% và trên 6,5% tăng mạnh, thậm chí cao hơn mức dự đoán hồi đầu năm là 17,6%.

Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản đối với hoạt động kinh tế, khơi thông nguồn lực từ xã hội, thúc đẩy DN mở rộng đầu tư và lớn mạnh. Ảnh minh hoạ
Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ rào cản đối với hoạt động kinh tế, khơi thông nguồn lực từ xã hội, thúc đẩy DN mở rộng đầu tư và lớn mạnh. Ảnh minh hoạ

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuyên suốt thời gian qua, Chính phủ không ngừng quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. “Việt Nam được đánh giá có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong năm 2024, việc cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế tiếp tục được thúc đẩy, trong đó có việc hướng dẫn triển khai các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi… Việc sửa các luật này được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông nguồn lực cho các thị trường, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, nền tảng vững chắc của DN còn nằm ở tình hình kinh tế vĩ mô trong nước được cải thiện, chính trị ổn định – gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và hợp tác cùng phát triển giữa DN nước ngoài với DN trong nước.

Những động thái mới trong rà soát pháp luật của Chính phủ thời gian gần đây được nhìn nhận là những cơ hội để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN phát triển và tăng trưởng.

Vẫn còn khoảng cách trong thực thi chính sách

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cho biết, thủ tục hành chính vẫn là một trong những khó khăn lớn trong danh mục các thách thức của DN đang đối mặt. Trong khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10/2024, 44,5% DN  tư nhân nhắc đến rào cản này, trong khi chỉ khoảng 35% DN nhà nước và 39% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có cùng suy nghĩ.

Khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, 61% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% DN còn phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện… Đặc biệt, những phiền hà về cấp phép kinh doanh là nguyên nhân khiến 21,7% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Theo báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh (Business Ready) mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố: trong 50 nền kinh tế được khảo sát, các nền kinh tế ban hành quy định cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn, tuy nhiên, cung cấp dịch vụ công cần thiết để bảo đảm tiến bộ thực sự vấn là vấn đề cần cải thiện. Theo báo cáo, Việt Nam đạt điểm cao trong các lĩnh vực Dịch vụ tiện ích, Lao động và Thương mại Quốc tế. Trong các lĩnh vực này, nền kinh tế cung cấp thông tin minh bạch về điện (yêu cầu kết nối, biểu phí, cơ chế khiếu nại), cung cấp các cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, áp dụng các thực tiễn tốt trong thương mại số và thương mại bền vững. 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện các lĩnh vực phá sản DN, thuế và dịch vụ tài chính. Trong các lĩnh vực này, nền kinh tế thiếu sự chuyên môn hóa của các Tòa án có thẩm quyền về các thủ tục tái tổ chức và thanh lý, không cho phép quy trình hủy đăng ký thuế tự động hoặc trực tuyến, không cung cấp một hệ thống đăng ký tài sản thế chấp với các tính năng hiện đại, dựa trên thông báo thống nhất.

Thực trạng này khiến hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều rủi ro, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí thực hiện. Điều này đồng nghĩa, áp lực thực hiện trong giai đoạn tiếp theo của các bộ, ngành còn rất lớn.

Mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Văn phòng Chính phủ để góp ý Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 – 2030, mong muốn Nghị quyết sớm được Chính phủ thông qua và ban hành để hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính liên quan sản xuất, kinh doanh của DN  và đời sống của người dân nói chung.

Ví dụ như, năm 2026 sẽ không còn điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể. Hàng năm, rà soát, bãi bỏ tối thiểu 5% điều kiện đầu tư, kinh doanh không hợp pháp hoặc không còn phù hợp thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hoặc có thể thay thế bằng biện pháp quản lý khá hiệu quả hơn.

Đặc biệt, năm 2025, triển khai thí điểm hoàn thành, công khai, cập nhật quy trình thực hiện thủ tục hành chính và thí điểm cơ chế luồng xanh đối với một số dự án thuộc các dự án đầu tư nhà ở, công trình giao thông, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, điện tử.

Tại buổi làm việc Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với 3 bộ và 8 địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình nêu rõ, cải cách TTHC phải tập trung chủ yếu ở 2 khâu lớn, đó là cải cách quy định TTHC thông qua xây dựng chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; và cải cách việc thực thi chính sách, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, DN. Mục tiêu là kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, vì người dân; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho người dân, DN.

Nhấn mạnh yêu cầu đặt ra về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải bám sát hơn nữa chương trình, kế hoạch về cải cách TTHC để triển khai nhiệm vụ được giao. Qua đó góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, DN với cơ quan Nhà nước…

 

Các DN mong muốn Chính phủ không chỉ rà soát pháp luật mà còn đảm bảo tính nhất quán và minh bạch, tăng cường sự tham vấn từ phía các DN để từ đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho, chống phiền nhiễu, phiền hà cho người dân và DN… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần đồng hành, triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo để giúp DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. (TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh)

 

 

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Bộ sách “Tư duy ngược” và “Tư duy mở” đạt kỷ lục phát hành năm 2024

2 cuốn sách "Tư duy ngược" và "Tư duy mở" do công ty Sbooks thực hiện, đã cán mốc triệu bản đạt kỷ lục phát hành năm 2024, được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao Bằng khen.

Tin liên quan