Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024
27 C
Hanoi
Thứ ba, 5/11/2024, 14:55

Cần làm gì khi bị cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh?

Khi phát hiện bị cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là một trong những vấn đề được nhiều độc giả quan tâm.

Bạn đọc Nguyễn Hữu Hậu hỏi: Gia đình tôi mới mở quán cà phê khá đông khách. Theo phản hồi thì khách hàng đánh giá quán nhà tôi có đồ uống ngon và nhiều khuyến mại hấp dẫn. Một thời gian ngắn sau, nhà hàng xóm gia đình tôi cũng mở quán cà phê. Điều đáng nói là khi nào quán nhà tôi có chương trình giảm giá, nhà hàng xóm cũng giảm giá với mức cao hơn, thậm chí còn lôi kéo nhân viên của tôi sang quán của họ làm để có công thức pha chế đồ ngon. Tôi muốn hỏi như vậy có phải cạnh tranh không lành mạnh không?

ca-phe.jpg
Ảnh minh họa

Luật sư Phạm Thị Thanh Phương, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được định nghĩa là “hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.” Đồng thời, tại Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 cũng nêu ra các hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh bao gồm:

Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức: Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Ngoài ra, còn có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Đối với tình huống cụ thể nêu trên, cần phân tích liệu hành vi của quán cà phê gia đình hàng xóm bạn thuộc một trong những hành vi bị cấm nêu trên mới có thể xác định được liệu đây có phải hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không.

Giảm giá mức cao hơn: Nếu quán cà phê của hàng xóm cố ý đưa ra mức giá thấp hơn hẳn, khiến cho giá bán sản phẩm dưới giá thành toàn bộ, thậm chí không có lãi, và chỉ thực hiện điều này mỗi khi quán bạn có chương trình giảm giá thì đây có thể là biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Căn cứ theo khoản 6 Điều 45 Luật Cạnh tranh, đây là hành vi “áp dụng biện pháp loại trừ đối thủ cạnh tranh” bằng cách bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành bộ và hành vi này có thể khiến quán café của bạn bị ảnh hưởng, buôn bán không thuận lợi.

Tuy nhiên, việc giảm giá cao hơn khi quán của bạn có chương trình khuyến mãi chưa thể khẳng định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để chứng minh, cần thu thập bằng chứng rằng việc giảm giá dưới giá thành hay có thể hiểu đơn giản là “bán phá giá” của họ diễn ra có chủ đích, mang tính nhất thời khi bạn giảm giá và có mục đích làm ảnh hưởng việc kinh doanh, loại bỏ quán café của bạn

Lôi kéo nhân viên để lấy công thức pha chế: Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh với hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.

Đồng thời, Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định việc sử dụng hoặc tiết lộ bí mật kinh doanh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sẽ bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh. Vì vậy, hành động lôi kéo nhân viên để lấy công thức pha chế có thể cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt nếu có bằng chứng về hành vi sử dụng bí mật kinh doanh mà không được phép, và bạn cần chứng minh mình đã có các biện pháp bảo mật thông tin như yêu cầu nhân viên của mình cam kết giữ bí mật công thức pha chế, hạn chế số người được tiếp cận với công thức pha chế…

    Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh như ảnh chụp hoặc ghi âm các quảng cáo về giảm giá sâu của nhà hàng xóm, đặc biệt là những thời điểm giảm giá trùng với quán bạn.

    Đối với việc lôi kéo nhân viên, bạn có thể yêu cầu nhân viên cung cấp thông tin về những lời mời làm việc từ quán hàng xóm (nếu có) và cách thức họ tiếp cận với công thức pha chế của quán café của bạn để có đủ cơ sở làm rõ hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

    Bên cạnh đó, bạn có thể gửi đơn khiếu nại kèm bằng chứng đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, cơ quan quản lý trực tiếp về cạnh tranh, để được tiến hành thẩm tra và có thể xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

    Theo Congly.vn

    Mới nhất

    Giá xăng dầu hôm nay 5/11: giữ đà leo dốc

    Sau quyết định giữ nguyên sản lượng của OPEC+ và chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, giá xăng dầu thế giới giữ đà leo dốc.

    Tin liên quan