Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
25 C
Hanoi
Thứ sáu, 22/11/2024, 18:48

Cân nhắc quy định đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở cấp chuyên sâu

Chiều 31/10, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh BHYT; đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở cấp chuyên sâu…

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám chữa bệnh (KCB) ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến.

Theo đại biểu, mặc dù điều này nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn, nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên KCB tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế. 

 Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cũng phân tích, nếu quy định như dự thảo luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy, gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.

Đại biểu phân tích nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh. 

Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý KCB cho người dân; Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị…, giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Chính vì vậy đại biểu đề nghị, giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB BHYT hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay. 

Tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế. Tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

Cân nhắc quy định đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp chuyên sâu

Góp ý vào nội dung Điều 26 của dự thảo luật, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, về đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo luật.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định khám, chữa bệnh ban đầu ở cấp chuyên sâu, mà chỉ nên quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp khám, chữa bệnh ban đầu và cơ bản.

 Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, ở cấp chuyên sâu, nên xem xét quy định khám, chữa bệnh ban đầu cho một số nhóm đối tượng ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Về chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cân nhắc thêm vấn đề người bệnh có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh, không phải chuyển tuyến để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa đảm bảo chặt chẽ công tác quản lý và khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.

Đồng thời, đại biểu đề nghị vẫn quy định có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người bệnh khi phải chuyển tuyến.

Đảm bảo người dân được lựa chọn nơi khám bệnh tốt nhất khi có bệnh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ tán thành với quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám bệnh, việc liên thông này nhằm đảm bảo quyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, tốt nhất cho bản thân khi có bệnh.

 Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh.

Theo đại biểu, nếu ngành Y tế thực hiện được việc liên thông được kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng cho quỹ BHYT. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. 

Đại biểu mong muốn Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong dự thảo Luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế.

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

TP. Vinh (Nghệ An): Loạt dự án ‘đất vàng’ bỏ hoang nhiều năm

Loạt dự án ‘đất vàng’ trị giá hàng trăm tỷ đồng ở trung tâm TP. Vinh nhiều năm qua bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, rất lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Tin liên quan