Những ngày gần đây, các xã, phường trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Với thủ đoạn dàn cảnh tinh vi, các đối tượng liên tục đe dọa, khủng bố tinh thần, gây hoang mang tâm lý, ép buộc các nạn nhân “tự giam lỏng” để đòi tiền chuộc từ phía gia đình nạn nhân.
Trao đổi với phóng viên, nữ sinh lớp 12 cư trú tại phường Bình Đức, nạn nhân của vụ “bắt cóc online” vẫn chưa hết bàng hoàng. Do hồ sơ nộp cho trường có vấn đề nên em gửi lại thông tin cho trường và làm theo các hướng dẫn thì ngay sau đó em nhận được cuộc gọi từ số máy lạ.

Nghĩ là nhân viên của các trường gọi xác nhận nên em không chút đề phòng. Em kể: “Họ gọi điện xưng là cán bộ công an, nói các em có liên quan đến vụ án lừa đảo hoặc vụ án ma túy xuyên quốc gia và yêu cầu em phải thực hiện theo hướng dẫn, nếu không sẽ bị ở tù.
Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu em đăng nhập vào App “ZOOM WORKPLACE” và cung cấp mã ID để tham gia nhóm chat. Họ nói đúng tên họ, số căn cước của em với lại mở camera lên em thấy mặc quân phục làm việc với đối tượng này kia nên cũng nghĩ là thật”.
“Thủ đoạn của nhóm lừa đảo là sau khi liên tục đe dọa và thao túng tâm lý để nạn nhân lo sợ, tự tách biệt với gia đình, các đối tượng dẫn dụ các em ra khỏi nhà, tự thuê phòng đến khách sạn, nhà trọ để giữ bí mật, phối hợp điều tra. Sau đó, các đối tượng ép buộc nạn nhân gọi về gia đình hoặc chiếm đoạt tài khoản zalo của nạn nhân để tự liên hệ người thân nhằm đòi tiền chuộc”, một điều tra viên cho biết.

Nhận được tin báo, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ phối hợp cùng công an cấp xã nhanh chóng vào cuộc, nắm tình hình, xử lý nhanh chóng và đã giải cứu thành công nhiều nạn nhân chỉ sau hai giờ mất tích, kịp thời trấn an dư luận.
Tuy nhiên, với phương thức thủ đoạn tương tự, đồng loạt xảy ra tại nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh An Giang như: Chợ Mới, Chợ Vàm, Phú Tân, Phú An,… đã khiến không ít người dân hoang mang.
Một nạn nhân là học sinh lớp 12 cho biết: “Em cũng có nghi vấn nhưng như hiểu được điều đó, các đối tượng dàn cảnh đang làm việc và liên tục răn đe ở đây có Bộ Công an, Viện kiển sát, đề nghị em hợp tác. Các đối tượng liên tục giám sát em không cho thoát ứng dụng, còn bảo em không thực hiện là chống người thi hành công vụ mà em thì còn đi học, em sợ bị ghi vào hồ sơ sẽ ảnh hưởng xấu cho em nên em làm theo”.
Mặc dù lo sợ nhưng rất may trong các trường hợp trên, phụ huynh của các nạn nhân đều nhanh chóng trình báo cơ quan công an phường, xã để được giúp đỡ kịp thời, giải thoát cho các nạn nhân và không gây thiệt hại về người và tài sản.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Công an phường Bình Đức, tỉnh An Giang khuyến cáo, hiện nay, khi điện thoại thông minh ngày càng trở nên thông dụng, người dân dễ dàng tiếp cận các thông trên mạng xã hội mà không phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là giả.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân cần hết sức tỉnh táo, nhanh chóng chia sẻ thông tin với người thân và cơ quan công an nơi gần nhất để nhận được sự hỗ trợ tư vấn kịp thời.
“Sau khi phối hợp các lực lượng nghiệp vụ giải cứu thành công các em bị lừa đảo, chúng tôi đã tăng cường công tác công tác truyền, đặc biệt là các cơ sở lưu trú, người dân, tuyệt đối không được đăng nhập vào các APP, đường link lạ hay làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu để tránh xảy ra những trường hợp bị lừa đảo tương tự”, Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Công an phường Bình Đức, tỉnh An Giang cho hay.
Theo Congly.vn