Thứ Hai, Tháng 2 24, 2025
14 C
Hanoi
Thứ Hai, 24/02/2025, 20:36

Cạnh tranh khốc liệt, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng nóng

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang ngày càng phát triển nhưng cũng chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Điều này đòi hỏi DN cần nỗ lực hơn nữa để “tô hồng” bức tranh thị trường nhiều tiềm năng này.

Doanh thu vượt mốc 25 tỷ USD

Báo cáo của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2024, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 20%, với quy mô doanh thu B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) vượt mốc 20,5 tỷ USD đưa quy mô thị trường bán lẻ vượt mốc 25 tỷ USD.

Còn theo báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 do Metric (nền tảng số liệu E-commerce) mới công bố, tổng doanh số 5 sàn TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2024 là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50,76%. Trong đó Shopee chiếm ưu thế trên thị trường TMĐT, với giao dịch lần lượt đạt 9,3 tỉ USD chiếm lần lượt 66,7% thị phần.

Người tiêu dùng đặt mua sản phẩm thông qua sàn TMĐT Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng đặt mua sản phẩm thông qua sàn TMĐT Ảnh: Hoài Nam

Theo kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc do Công ty CP  Công nghệ Sapo, hơn 80% nhóm có doanh thu tăng trưởng đang lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025. Nhiều nhà bán hàng có kế hoạch phát triển các chiến lược mới như livestream (phát video trực tiếp) chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng xã hội.

Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội tích cực tham gia vào cuộc chơi TMĐT đặc biệt TikTok Shop nổi lên như một đối thủ đáng gờm thu hút hàng triệu người dùng trong thời gian ngắn. Dữ liệu cũng cho thấy, mức tăng trưởng doanh số đáng kể vào nửa cuối năm 2024 chủ yếu nhờ hàng loạt sự kiện mua sắm lớn như: mùa tựu trường, Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Những dịp này tạo ra nhu cầu mua sắm cao, mở ra cơ hội cho nhà bán hàng tận dụng các chương trình khuyến mãi, đa dạng hóa danh mục sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng và đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị

Không chỉ phát triển trong nước, TMĐT xuyên biên giới cũng là một xu hướng mà nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng các nền tảng như Amazon, Alibaba tiếp cận thị trường quốc tế.  “Với sự tăng trương trưởng mạnh mẽ dự báo thị trường TMĐT năm 2025 của Việt Nam sẽ tăng vượt 31 tỷ USD”- Phó Cục trưởng Cục TMĐT  và Kinh tế số (Bộ Công thương) Lại Việt Anh dự báo.

Đồng tình với dự báo này, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam Trần Văn Trọng nêu rõ, từ 2021 – 2024, mỗi năm thị trường TMĐT đều duy trì mức tăng trưởng 21 – 25%. Dự báo, trong năm 2025, thị trường TMĐT Việt Nam có đầy đủ các yếu tố đạt mức tăng trưởng 20 – 22%, quy mô thị trường lên đến 31 tỷ USD là  hoàn toàn khả thi. Thậm chí có thể phát triển vượt mức 31 tỷ USD.

Cạnh tranh khốc liệt

Mặc dù TMĐT phát triển mạnh mẽ nhưng trong quá trình này cũng tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của Metri cho thấy, riêng trong năm 2024 đã có khoảng 165.000 shop đã phải rời bỏ thị trường TMĐT. Nguyên nhân là do nhiều nhà bán hàng hoạt động không hiệu quả đã phải nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.

Phân tích nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng đóng cửa rời bỏ thị trường TMĐT, Giám đốc Kinh doanh nền tảng dữ liệu Metric Phạm Bảo Trung cho biết, hiện người bán hàng trên TMĐT phải gánh nhiều loại chi phí quảng cáo, hoa hồng cho sàn, thuế… chiếm từ 35 – 45% doanh thu. Thậm chí để duy trì lượng đơn hàng, nhiều thương hiệu chấp nhận giảm giá “cắt máu”, liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi quanh năm, khiến chi phí còn đội lên cao hơn.

Để trụ vững trong quá trình kinh doanh trên TMĐT, chuyên gia Digital Marketing Đại học RMIT TS Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, bảo đảm được lợi nhuận, chi phí không bị đội lên quá cao.

“Nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng các buổi livestream, video ngắn hoặc tiếp thị liên kết trên Facebook và TikTok để tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu và gia tăng doanh thu mà không cần chi nhiều cho quảng cáo trả phí” – bà Vân Anh hiến kế .

Doanh nghiệp kết nối với sàn TMĐT tiêu thụ sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp kết nối với sàn TMĐT tiêu thụ sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng mức 20 – 22%, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) Đinh Lê Hải Hà cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, công ty logistics và chuyển phát nhanh, các đơn vị cung cấp dịch vụ marketing, lưu trữ hạ tầng… trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện hạ tầng logistics.

Đồng tình với ý kiến này, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Bình Minh kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, gắn với thương nhân tổ chức sàn TMĐT theo hướng luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng. Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Cục TMĐT và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển TMĐT nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex)  qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế. Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đào tạo TMĐT xuyên biên giới, từ đó nâng cao năng lực, kiến thức mới cho doanh nghiệp; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển TMĐT; xây dựng, triển khai sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh, thành (sanviet.vn) từ đó tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ… giải quyết bài toán giảm chi phí vận chuyển, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Xử phạt người phụ nữ đăng tin giả bị bỏ thuốc mê ở Đà Nẵng

Ngày 23/2, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa tiến hành triệu tập H.K.L (SN 2004, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để thông báo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đưa tin sai sự thật.

Tin liên quan