Thứ tư, Tháng Một 22, 2025
19 C
Hanoi
Thứ tư, 22/01/2025, 11:34

Cấp thiết “siết” sàn xuyên biên giới

Đề xuất quy định sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép và lập văn phòng đại diện của Bộ Công Thương đang nhận được sự ủng hộ của dư luận và sự đồng tình của nhiều chuyên gia, DN.

Đây được xem là động thái quyết liệt nhằm siết quản lý sàn xuyên biên giới, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, góp phần hoàn thiện khung pháp lý để hoạt động quản lý lĩnh vực này đi vào nền nếp.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước

Theo dự thảo đề cương Luật TMĐT đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, DN xuyên biên giới phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền là pháp nhân tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Các sàn bán lẻ xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, dịch vụ logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam, theo dự thảo.

Sở dĩ Bộ Công Thương đề xuất quy định này vì trên thực tế, thời gian vừa qua, một số sàn xuyên biên giới như Temu, Shein chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Đề xuất này cũng được coi là giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Nhà điều hành sẽ đưa ra các quy định về trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường cho người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.

 

Bộ Công Thương dự kiến đưa dự án xây dựng Luật Thương mại điện tử vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Phân tích rõ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, thị trường TMĐT của Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô, thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thị trường bán lẻ này tăng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD vào năm 2014 lên hơn 25 tỷ USD hiện tại. Như vậy, trung bình thị trường này tăng 20 – 30% mỗi năm, đóng góp 8% trong tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Hiện lĩnh vực này được quản lý bởi 2 nghị định của Chính phủ (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP), song quy định hiện tại chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong TMĐT, nhất là TMĐT xuyên biên giới, khiến quản lý gặp khó.

Hơn nữa, các quy định hiện hành đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới này nhẹ hơn so với sàn TMĐT chính thức, hoạt động trong nước, gây thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh. Trong khi đó, các cơ quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường cũng chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả. Hiện, tỷ lệ dân số tham gia TMĐT của Việt Nam đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm. Vì thế, việc xây dựng, ban hành Luật TMĐT cũng như đề xuất quy định sàn TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép và lập văn phòng đại diện là đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, bảo vệ quyền lợi các bên và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số.

Trên thế giới nhiều nước đã xây dựng Luật TMĐT như: Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Ireland… Một số nước không có Luật TMĐT nhưng có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này như Ủy ban châu Âu (EC). Một số nước xây dựng luật liên quan từ góc độ bảo vệ người dùng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Không thể chậm trễ

Nêu quan điểm về việc siết quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho rằng, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của DN TMĐT, nên những DN làm ăn chân chính như Shopee đầu tư rất lớn vào những yếu tố cốt lõi này. Đó là có cơ chế nhất định để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng nhưng vẫn mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành, địa phương, cũng như quy định quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng để các DN lĩnh vực TMĐT cạnh tranh công bằng.

Nhận định về đề xuất này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất quy định này là rất cần thiết trong bối cảnh thời gian vừa qua, nhiều sàn TMĐT nước ngoài hoạt động trái phép, chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng Việt Nam, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước và nhiều rủi ro khác.

Thực tế, người tiêu dùng chủ yếu bị thu hút bởi mức giá siêu rẻ của nhiều mặt hàng được bán trên các sàn TMĐT xuyên biên giới. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa trên các sàn TMĐT xuyên biên giới đang bị buông lỏng. Ngoài những hình ảnh quảng cáo, người tiêu dùng gần như không thể biết được chất lượng hàng hóa thế nào cho đến khi nhận được hàng.

Bên cạnh đó, khối lượng lớn hàng hóa được chia nhỏ thành nhiều đơn vận chuyển từ nước ngoài về cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong khâu quản lý chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ hàng kém chất lượng tràn vào nước ta dưới mác hàng khuyến mại giá rẻ, gây hại cho người tiêu dùng Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cơ quan chức năng cần gỡ bỏ ngay các ứng dụng trên mạng, chặn những đường dẫn, tên miền của các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động trái phép tại nước ta. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý trong các hoạt động lập tài khoản để tham gia mua, bán trên sàn TMĐT, đặc biệt là tài khoản thanh toán, vì nhiều sàn TMĐT xuyên biên giới có quy định cách thức thanh toán tiền riêng, yêu cầu người dùng phải tải thêm ứng dụng thanh toán của một bên thứ ba, sau đó cung cấp các thông tin cá nhân để lập tài khoản, từ đó mới có thể chuyển tiền thanh toán khi mua hàng.

Điều này có thể tiềm ẩn rủi ro ở hai yếu tố. Thứ nhất là hướng dòng tiền chảy vào túi các DN có trụ sở ở nước ngoài một cách bất hợp pháp, né tránh cơ quan thuế của Việt Nam và nếu có sai phạm cũng dễ dàng xóa dấu vết. Thứ hai là nguy cơ người dân bị các tổ chức ở nước ngoài khai thác thông tin cá nhân như: địa chỉ, số điện thoại, căn cước công dân, hình ảnh cá nhân để phục vụ cho các mục đích xấu.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Dương Minh Giám đánh giá, đề xuất mà Bộ Công Thương cần sớm được ban hành và thực thi vì các sàn TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn, thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý. Do không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ phản ánh, dẫn đến giải quyết khiếu nại phức tạp và kéo dài.

 

Trong thời gian chờ cơ quan chức năng xây dựng và ban hành quy định pháp lý, người tiêu dùng cần chủ động cảnh giác trước khi tham gia mua, bán, kinh doanh trên các sàn TMĐT xuyên biên giới; chú trọng xem xét, tham khảo, đánh giá kỹ lưỡng hàng hóa trước khi mua, tránh vì ham giá rẻ mà mua phải hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm vì lợi ích của bản thân và lợi ích của cộng đồng, đất nước.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Dương Minh Giám

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo khu vực biên giới

Ngày 21/1, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ do đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Tin liên quan