Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih, nơi ghi dấu một trong những chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Đông – Xuân 1953 – 1954 đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành. Đây không chỉ là công trình mang giá trị tưởng niệm và giáo dục truyền thống, mà còn là điểm đến tiềm năng cho phát triển du lịch lịch sử, văn hóa.
Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih tọa lạc trên tuyến đường số 5 – tuyến đường huyết mạch nối liền Nam Trung Bộ với Bắc Tây Nguyên. Nơi đây từng là cứ điểm quân sự trọng yếu của thực dân Pháp, khống chế toàn vùng phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum cũ (nay là tỉnh Quảng Ngãi). Với vị trí “án ngữ”, đồn Kon Braih trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phản công của quân đội ta, nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch.

Theo sử liệu, vào đêm 27/1/1954, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803 đã bất ngờ tấn công đồn Kon Braih.
Trận đánh diễn ra quyết liệt suốt đêm và đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 28/1/1954, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên đỉnh đồn, đánh dấu một chiến thắng vang dội, cổ vũ tinh thần quân dân ta trên toàn mặt trận Tây Nguyên.
Chiến thắng Kon Braih có ý nghĩa to lớn, không chỉ giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, mà còn phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ chiến lược của địch trên trục đường số 5. Qua đó, tạo bàn đạp vững chắc cho quân ta tiến công giải phóng các huyện Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Glei và toàn bộ tỉnh Kon Tum (cũ), góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch Đông – Xuân 1953 – 1954.

Trải qua hơn 70 năm, di tích Kon Braih dần xuống cấp theo thời gian. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn các di tích lịch sử, UBND tỉnh Kon Tum (cũ) đã ra Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 01/6/2009 xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với Kon Braih.
Đặc biệt, trong chuyến công tác vào tháng 8/2022, đồng chí Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị (lúc đó là Chánh án TANDTC), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đến thăm Di tích lịch sử Kon Braih, dâng hương, dành phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Tại di tích tích lịch sử Kon Braih, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã trò chuyện, thăm hỏi, động viên bà Y Điệp, người phụ nữ cách mạng đã gồng mình cõng gạo nuôi quân, chi viện cho Măng Bút, Măng Đen và hỗ trợ các chiến sĩ đánh trận Kon Braih. Đồng thời kêu gọi kinh phí hỗ trợ, xây dựng, nâng cấp, cải tạo di tích lịch sử này.
Đến năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum (cũ) đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án tôn tạo di tích (Công văn số 1095-CV/TU ngày 09/11/2023) và UBND tỉnh triển khai thực hiện tại Công văn số 3996/UBND-KGVX ngày 17/11/2023.
Dự án tôn tạo Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih được đầu tư mở rộng trên diện tích 22.800 m² với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 4 tỷ đồng, còn lại 7 tỷ đồng được huy động từ các doanh nghiệp. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đóng góp 5 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ 2 tỷ đồng…
Với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Kon Rẫy (nay là xã Kon Braih), đơn vị chủ đầu tư đã triển khai công trình khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tuân thủ nguyên tắc bảo tồn giá trị lịch sử. Sau thời gian thi công, di tích nay đã được hoàn thiện khang trang, bề thế, đáp ứng cả yêu cầu tưởng niệm lẫn giáo dục truyền thống.
Ông Lê Quang Chính – Chủ tịch UBND xã Kon Braih, cho biết: Chính quyền và nhân dân xã Kon Braih trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành và sự đồng hành quý báu từ các doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện Dự án tôn tạo Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih.
“Đặc biệt cảm ơn gia đình và đồng chí Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, người đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện để xã Kon Braih hoàn thành tốt việc cải tạo di tích và các nhiệm vụ chính trị được giao. Cảm ơn các Cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803. Sự hy sinh của các thế hệ đi trước mãi là niềm tự hào, là động lực để chúng ta tiếp tục dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững”, ông Chính nói.

Di tích lịch sử cách mạng Chiến thắng Kon Braih, không chỉ mang giá trị tưởng niệm và giáo dục truyền thống, mà nơi đây còn là điểm đến tiềm năng cho phát triển du lịch lịch sử – văn hóa. Việc tôn tạo công trình tạo ra điều kiện thuận lợi để khai thác cảnh quan, kết nối với các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của vùng Bắc Tây Nguyên. Qua đó, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo Congly.vn