Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua, Thái Nguyên và Bắc Kạn sẽ tiến hành hợp nhất, hình thành một đơn vị hành chính mới đặt trụ sở chính trị – hành chính tại Thái Nguyên. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ và xử lý hệ thống cơ sở vật chất đang được lên phương án cụ thể, bài bản, với tinh thần bảo đảm ổn định, tiết kiệm, hiệu quả và hài hòa lợi ích.

Theo phương án đang được xây dựng, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau hợp nhất sẽ mang tên Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 8.375 km² và quy mô dân số gần 1,8 triệu người, vượt các tiêu chuẩn quy định hiện hành về diện tích và dân số. Cùng với đó, toàn tỉnh sẽ có 92 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 77 xã và 15 phường.
Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau hợp nhất là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm. Dự kiến, số người tiếp tục công tác tại cấp tỉnh là 12.874 người, trong đó có 87 cán bộ, 2.382 công chức, 9.757 viên chức và 648 người lao động. Đồng thời, việc tinh giản theo quy định hiện hành sẽ áp dụng với 747 trường hợp. Sau hợp nhất, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và thực hiện sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo lộ trình 5 năm, bảo đảm số biên chế phù hợp với định mức do Trung ương giao.
Bên cạnh nhân sự, hệ thống trụ sở, tài sản công của hai tỉnh cũng đang được tính toán, quy hoạch sử dụng lại một cách tiết kiệm và hiệu quả. Thống kê sơ bộ cho thấy, hai tỉnh hiện có 2.888 trụ sở công, trong đó 2.507 trụ sở tiếp tục được sử dụng, 258 trụ sở sẽ được chuyển đổi công năng, còn lại 123 trụ sở dôi dư. Những trụ sở không còn nhu cầu sử dụng sẽ được ưu tiên bố trí cho lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, trung tâm hành chính cấp xã hoặc phục vụ hoạt động cộng đồng. Trường hợp cần thiết, các cơ sở này có thể được chuyển giao cho tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở để quản lý, khai thác theo đúng quy định.
Nhằm bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức sau hợp nhất, tỉnh cũng dự kiến phương án bố trí nhà ở công vụ, phương tiện công tác và các điều kiện đi lại phù hợp. Đặc biệt, tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin và thành quả chuyển đổi số, một bộ phận cán bộ sẽ được bố trí làm việc linh hoạt tại cả Bắc Kạn và trung tâm hành chính mới của tỉnh Thái Nguyên. Cách làm này vừa bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả tại các địa bàn, vừa giảm tải áp lực về cơ sở vật chất và hỗ trợ cán bộ thích ứng với giai đoạn chuyển tiếp.
Với lộ trình và phương án chi tiết, rõ ràng, việc hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ hướng tới tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội vùng trung du, miền núi phía Bắc trong giai đoạn tới.
Theo Congly.vn