Khác với sự giản dị của mâm cơm thường ngày, mâm cỗ Tết của người Hà Nội tinh tế về hình thức, cầu kỳ về cách chế biến, chứa đựng cả tâm tình, tấm lòng của con cháu dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm mới và mong ước cuộc sống đủ đầy.
Ngày 11/1, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chương trình trình diễn di sản ẩm thực và talkshow “Cơm nhà và cỗ Tết” đã thu hút đông đảo các nhà văn hóa, chuyên gia ẩm thực, du lịch và công chúng.
Đây là sự kiện tiếp nối trong chuỗi hoạt động thuộc Đề án “Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thức quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch, đến năm 2025, định hướng 2030”. Chương trình được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) tổ chức, nhằm tôn vinh nghệ nhân và lan tỏa giá trị di sản ẩm thực của quận Hoàn Kiếm.
Theo chuyên gia ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, cơm nhà thường là những món ăn bình dị, thân thuộc nhưng chứa đựng biết bao yêu thương. Với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, bữa cơm gia đình là lúc để mọi thành viên quây quần bên nhau. Đó chính là cầu nối để gắn kết gia đình, là động lực để trở về.
“Khác với sự giản dị của mâm cơm thường ngày, mâm cỗ Tết của người Hà Nội tinh tế về hình thức, cầu kỳ về cách chế biến và chứa đựng cả tâm tình, tấm lòng của con cháu để dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm mới, với lòng cảm tạ và mong ước cuộc sống đủ đầy. Mâm cỗ Tết của người Hà Nội cầu kỳ 4 bát 6 đĩa hoặc 4 bát 8 đĩa, tùy điều kiện của mỗi gia đình. Để chế biến được mâm cỗ ngày Tết là cả sự công phu và cầu kỳ.
Không đơn giản chỉ là ẩm thực, mỗi món ăn trên mâm cơm ngày Tết chứa đựng những kỷ niệm, hồi ức và tình cảm mà mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Hương vị truyền thống, cách bài trí bày biện từng món ăn cũng cho thấy tài nữ công gia chánh của người phụ nữ xưa. Mâm cơm ngày Tết còn mang hương vị đoàn viên, ấm cúng…” – nghệ nhân Ánh Tuyết bộc bạch.
Người phụ nữ, qua mỗi mâm cơm, mỗi mâm cỗ, không chỉ thể hiện sự khéo léo trong việc nấu nướng mà còn là người bảo tồn và truyền đạt những câu chuyện, những nét đẹp văn hóa từ đời này sang đời khác. Trong mỗi bữa ăn, người phụ nữ không chỉ là người tạo ra hương vị mà còn là người kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một không gian ấm áp, sum vầy đầy yêu thương.
TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, chuyên gia tư vấn Đề án nhấn mạnh giá trị văn hóa truyền thống trong mâm cơm ngày Tết. “Điều sâu xa mà mỗi chúng ta đều cảm nhận được ở đây chính là nền tảng văn hóa gia đình. Trong cuộc sống hiện đại, giữ gìn hơi ấm của căn bếp trong mỗi gia đình chính là gìn giữ nền nếp gia phong, giữ gìn những giá trị văn hóa, di sản…” – TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.
Sự kiện không chỉ là dịp để khán giả thưởng thức nghệ thuật chế biến món ăn mà còn là một hành trình cảm nhận về giá trị di sản ẩm thực của Hà Nội, một phần không thể thiếu trong văn hóa dân tộc. Thông qua đó, nghệ nhân Ánh Tuyết mong muốn truyền cảm hứng và khơi dậy niềm tự hào đối với những giá trị truyền thống, đồng thời gửi gắm thông điệp về việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa trong cuộc sống đương đại.
Tại sự kiện, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ những kỹ năng, bí quyết gia truyền để tạo nên hương vị đặc trưng, lưu giữ trọn vẹn tinh hoa ẩm thực truyền thống. Theo bà, trong mỗi món ăn, hương vị đều hàm chứa những ý nghĩa, thông điệp văn hóa sâu sắc. Đó là những câu chuyện, thông điệp về sự đủ đầy, hạnh phúc, ước vọng một năm mới thịnh vượng, an khang.
“Các cụ xưa thường nói, đói quanh năm nhưng no 3 ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết vì thế rất đủ đầy, nhiều màu sắc, hương vị khó quên. Mâm cơm Tết xưa thường có sự quây quần của tam, tứ đại đồng đường, vì thế mà vô cùng đầm ấm” – nghệ nhân Ánh Tuyết nói thêm.
Trong khi đó, TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ về những ký ức xưa thông qua văn hóa ẩm thực: “Mỗi món ăn chính là một giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ở đó, chúng ta được nghe kể những câu chuyện của ký ức, được nhìn lại hình ảnh những người bà, người mẹ và cảm nhận được hơi ấm từ sự chắt chiu, gìn giữ nếp nhà”.
Bày tỏ ấn tượng với slogan của Đề án “Hương vị từ ký ức”, chuyên gia Nguyễn Thường Quân cho rằng, đi sâu vào khía cạnh văn hóa, chúng ta thấy rằng món ăn chính là một miền ký ức, miền của những hương vị xưa cũ. Trong truyền dạy, đào tạo về ẩm thực, các chuyên gia không chỉ dạy cách làm món ăn mà truyền dạy về văn hóa, những tinh hoa trong từng hương vị.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư, gìn giữ nếp nhà là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Việc truyền dạy về ẩm thực không cần đến sự xa hoa mà điều căn cốt chính là các giá trị của văn hóa truyền thống. Để hơn cả những món ăn, chúng ta cảm nhận được được giá trị của nếp nhà và sự ấm áp trong cuộc sống gia đình.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của tính kết nối giữa nghiên cứu, phát triển di sản ẩm thực, coi di sản ẩm thực là nền tảng trong phát triển và phục vụ du lịch. “Thông qua các đề án nghiên cứu để nhận diện rõ hơn những giá trị của văn hóa ẩm thực, nhìn nhận trong những món ăn giá trị, câu chuyện của di sản. Bên cạnh tiềm năng đã có, đề án cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề về giới thiệu, quảng bá, giữ gìn và trao truyền những giá trị hồn cốt của văn hóa- ẩm thực, đặc biệt là các yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch như ứng xử, văn hóa kinh doanh…” – TS Lê Thị Minh Lý lưu ý.
Theo kinhtedothi.vn