Thời gian qua, tội phạm tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc hoành hành trên không gian mạng, bên cạnh đó tình trạng sim rác cũng diễn biến hết sức phức tạp.
Tại buổi họp báo kinh tế – xã hội TP.HCM chiều 10/10 của TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Thăng Long – Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã thông tin về các loại tội phạm trên không gian mạng.
Đối với tội phạm tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc trên không gian mạng, Thượng tá Long cho biết, hiện nay, tội phạm tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Các đối tượng tạo lập các trang web, tài khoản, hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội để tổ chức đánh bạc và quảng cáo, lôi kéo người dùng mạng tham gia đánh bạc bằng nhiều hình thức (cá độ bóng đá, tài xỉu, xóc đĩa cho đến các loại hình mới như bắn cá, nỗ hủ, cá cược thể thao điện tử (eSport)…).
Hầu hết máy chủ của các website này được đặt tại nước ngoài và do các đối tượng người nước ngoài vận hành; đồng thời móc nối, chỉ đạo các đối tượng người Việt Nam để thiết lập tài khoản, tham gia điều hành hoạt động đánh bạc tại Việt Nam theo mô hình phân cấp, hình thành mạng lưới đánh bạc trên địa bàn cả nước nói chung và ở địa bàn TP.HCM nói riêng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây trên không gian mạng còn xuất hiện các mô hình đánh bạc núp bóng dưới vỏ bọc là các trò chơi trực tuyến ngay trên ứng dụng của điện thoại.
Trước thực trạng trên, Công an Thành phố chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh với hành vi tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc trên không gian mạng.
Trong đó, phối hợp các Cục Nghiệp vụ tham mưu Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng.
Tiếp tục xác định “lấy công tác phòng ngừa là chính”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức an toàn, an ninh mạng của toàn xã hội, giúp người sử dụng mạng có kiến thức cơ bản có thể tự phòng ngừa hiệu quả trước các rủi ro, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm trên không gian mạng và chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm.
Liên quan tình trạng số điện thoại gọi điện mời chào quảng cáo, làm phiền, Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho hay, trong thời qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường các hoạt động quản lý nhằm hạn chế tình trạng gọi điện quảng cáo trái quy định pháp luật và làm phiền người dân.
Tuy nhiên, tình trạng sim “rác” vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp.
Các đối tượng thường tiến hành việc đầu cơ SIM số dưới dạng chủ sở hữu là doanh nghiệp để đăng ký số lượng lớn thuê bao với nhà mạng, sau đó bán “lẻ” lại cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng;
Lợi dụng sự thiếu quản lý đối với cửa hàng, đại lý, điểm hợp tác dịch vụ viễn thông, các đối tượng có thể đăng ký thuê bao di động rác thông qua giấy tờ giả, giấy tờ tùy thân của người khác bị lộ, lọt…
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng dịch vụ quảng cáo, tán phát nội dung trái quy định pháp luật thông qua thiết bị giả trạm thu phát sóng, dịch vụ tổng đài ảo, dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google để quảng cáo nội dung trái quy định pháp luật Việt Nam.
Theo Congly.vn