Sáng 13/5, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa – Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn”.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã cùng thảo luận sâu về những điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy định liên quan đến công bố hợp quy, một thủ tục đang gây nhiều tranh luận về hiệu quả và tính phù hợp trong bối cảnh hội nhập.

Luật sửa đổi: Kỳ vọng và trăn trở
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam – cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đây là văn bản pháp lý có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng sâu đến toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa, đặc biệt liên quan đến chất lượng và an toàn sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.
TS. Nam nhấn mạnh, bên cạnh những đóng góp tích cực, Luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập về thủ tục và hiệu quả thực thi. Buổi Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp ý kiến thiết thực, góp phần hoàn thiện dự thảo luật theo hướng giảm gánh nặng pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Công bố hợp quy – thủ tục cần thiết hay rào cản?
Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt là quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa. Theo Dự thảo, việc công bố hợp quy sẽ dựa trên chứng nhận của tổ chức được công nhận hoặc đăng ký theo pháp luật. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc một sản phẩm chỉ chịu điều chỉnh bởi một quy chuẩn thống nhất trên toàn quốc, cùng với một số trường hợp không bắt buộc công bố hợp quy.
Dự thảo cũng đưa ra hướng mở khi quy định về việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp từ tổ chức nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Tuy nhiên, tại tọa đàm, nhiều ý kiến phản biện đã cho rằng: việc duy trì quy định công bố hợp quy như hiện nay chưa thực sự cần thiết và thậm chí trở thành gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thu Hương – Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam – trong thực tiễn xuất khẩu, đại đa số các quốc gia không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy. Ngay cả với những sản phẩm đặc thù như vắc xin dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất và đã xuất khẩu, cũng không bắt buộc thực hiện công bố hợp quy.
Đặt vấn đề: “Không công bố hợp quy có đồng nghĩa với buông lỏng quản lý hay không?”, bà Hương khẳng định: Hoàn toàn không. Hàng hóa tại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát bằng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chặt chẽ – khác biệt hoàn toàn với khái niệm công bố hợp quy. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể dựa vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn đó để hậu kiểm, xử lý sản phẩm không đạt yêu cầu.
“Ví dụ thuốc thú y trước khi lưu hành phải đáp ứng tới 18 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Như vậy, việc bổ sung thêm một bước thủ tục công bố hợp quy vừa trùng lặp, vừa gây tốn kém chi phí, mất thời gian, không cần thiết”, bà Hương nói.
Quản lý hàng hoá theo tiêu chí phân loại rủi ro
TS. Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam – cho rằng: Nghị quyết 57 và 68 của Chính phủ đều nhấn mạnh yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thủ tục công bố hợp quy lại bị phản ánh là rườm rà, tốn kém, thậm chí mang tính hình thức.
TS. Ngọc đề xuất, thay vì giữ lại công bố hợp quy, nên tăng cường quản lý bằng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng, cụ thể, kết hợp với biện pháp mạnh như cấm lưu hành, cấm sản xuất các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu. Cách tiếp cận này vừa đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, vừa giảm áp lực thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp.

Tương tự, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam bày tỏ lo ngại: Quy định hiện tại có thể làm phát sinh thêm chi phí không đáng có, kéo dài thời gian sản phẩm ra thị trường, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
TS. Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam – cho rằng: Theo thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn ISO, hàng hóa nên được phân loại theo mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao) để có biện pháp quản lý phù hợp. Nhà nước chỉ nên kiểm tra, giám sát với tần suất tương ứng trong khâu hậu kiểm, thay vì tiền kiểm đại trà thông qua công bố hợp quy.
Dự thảo Luật sửa đổi hiện nay vẫn thiên về kiểm soát tiền kiểm – tức là đặt trọng tâm vào giấy tờ, thủ tục trước khi hàng hóa được lưu thông – cách tiếp cận này đang tạo thêm rào cản, đồng thời lơ là vai trò then chốt của hậu kiểm.
Thực tế, vụ việc sữa giả kém chất lượng từng gây xôn xao dư luận là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu sót trong khâu hậu kiểm. Dù giấy tờ hợp lệ, sản phẩm vẫn không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của ngành hàng.
Theo TS. Nguyễn Như Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Chất lượng và thị trường nông, lâm, thuỷ sản, Bộ NN&PTNT (cũ), để quản lý chất lượng hiệu quả, cần phân loại sản phẩm theo tiêu chí rủi ro rõ ràng, từ đó xây dựng nhóm hàng hóa cần kiểm soát chặt chẽ hoặc nới lỏng phù hợp. Mỗi sản phẩm đều tiềm ẩn rủi ro riêng, nhưng mức độ và hậu quả sẽ khác nhau – đó mới là cơ sở khoa học để nhà nước đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả.
Ông Tiệp kiến nghị, Luật chỉ nên đưa ra nguyên tắc quản lý chung, còn danh mục hàng hóa, mức độ rủi ro và phương thức kiểm soát nên giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, tùy theo giai đoạn và tình hình thực tế.
Từ thực tiễn quản lý đến kinh nghiệm quốc tế đều cho thấy, thủ tục công bố hợp quy nếu không được rà soát kỹ sẽ trở thành một rào cản đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và cải cách thể chế, việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân loại rủi ro hàng hóa để có biện pháp giám sát linh hoạt, phù hợp là hướng đi đúng đắn, đảm bảo quản lý hiệu quả mà vẫn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Luật sửa đổi cần đặt lợi ích thực chất lên hàng đầu – đó là bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực sản phẩm Việt, thay vì tập trung vào các thủ tục hành chính hình thức không còn phù hợp với xu thế toàn cầu, các chuyên gia nhận định.
Theo Congly.vn