Thứ hai, Tháng Một 20, 2025
23.8 C
Hanoi
Thứ hai, 20/01/2025, 18:24

Đặc sản vùng miền, đắt tiền vẫn hút khách

Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề nên các cơ sở sản xuất, siêu thị đồng loạt đưa đặc sản vùng miền lên kệ. Dù giá không hề rẻ, tuy nhiên, chất lượng, mẫu mã và sự độc đáo của mặt hàng này đã khiến loại sản phẩm này cực kỳ hút khách.

Đồng loạt rao bán đặc sản vùng miền

Những ngày này, trên mạng xã hội Zalo, Facebook đã tràn ngập những lời chào mời mua đặc sản vùng miền. Đơn cử, trang Facebook có tên “khô gà lá chanh” rao bán khô gà lá chanh 310.000 đồng/kg, khô heo cháy tỏi 400.000 đồng/kg… Tương tự, trên nhóm “thịt trâu gác bếp” quảng cáo sản phẩm lợn gác bếp 540.000 đồng/kg, nai gác bếp 650.000-680.000 đồng/kg, thịt trâu, bò gác bếp 720.000-750.000 đồng/kg, lạp sườn Tây Bắc có giá 480.000 – 500.000 đồng/kg… đồng thời tặng thêm gói gia chị chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái.

Những năm gần đây mặt hàng đặc sản vùng miền đã trở thành sản phẩm hút khách tiêu thụ trong Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ mặt hàng này.

Tổng Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng trái cây cao cấp Klever Fruit Nguyễn Xuân Hải cho biết, để đáp ứng nhu cầu đặc sản vùng miền trong dịp Tết Ất Tỵ Klever Fruit ngoài việc kinh doanh hàng nhập khẩu còn bán các trái cây đặc sản của Việt Nam như bưởi đỏ “tiến Vua”, bưởi hồng da xanh, quýt sim (Hòa Bình), dưa lưới, xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, thanh long tổ yến (Tiền Giang)…

Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty CP đầu tư Organica Phạm Phương Thảo thông tin, năm nay, đơn vị đưa thêm nhiều loại đặc sản địa phương như măng le rừng, hạt macca, cà phê Arabica, linh chi rừng, hoa cúc chanh dây để làm trà. Đây là những đặc sản được gieo trồng, khai thác tại vùng đệm Khu bảo tồn Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Tây Nguyên).

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ đặc sản vùng miền do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ đặc sản vùng miền do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Để mang đến không khí Tết truyền thống, Winmart triển khai các “Hội chợ Tết 2025 – sắc màu quê hương” tại 56 trung tâm thương mại trên toàn quốc. Tại đây, khách hàng có thể sắm quà tết OCOP chất lượng, như mứt tết, các loại hạt, hoa quả sấy Đà Lạt, trà Thái Nguyên, giò chả Ước Lễ, giò me Nghệ An, bưởi Đoan Hùng, cá kho Vũ Đại…

“Đặc biệt tại lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt” người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm mua sắm đậm chất Tết cổ truyền thông qua các chủ đề: lễ hội kẹo, lễ hội đồ khô, lễ hội nông sản Việt. Chương trình còn áp dụng khuyến mãi đến 49% đối với gần 100 sản phẩm đặc sản đến từ khắp các vùng miền trên cả nước”-Trưởng phòng cao cấp Trade Marketing Công ty Wincommerce Hà Nội Hà Thị Thu Trang cho biết.

Không chịu thua kém, hệ thống siêu thị GO! & Big C của Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng đưa vào siêu thị tiêu thụ gần 100 sản phẩm đặc sản từ khắp các vùng miền trên cả nước như các loại thịt sấy gác bếp (Tây Bắc); phở khô, miến dong đặc biệt (Hà Nội); Các loại hải sản rim (miền Trung); kẹo dừa 9 vị (Bến Tre), bánh phồng tôm (Cà Mau),…

Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Trên thực tế cho thấy không phải cơ sở kinh doanh đặc sản vùng miền nào cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã có không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải các sản phẩm đặc sản vùng miền không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từng tin tưởng vào một trang mạng online chuyên bán đặc sản giò bê Nghệ An, chị Nguyễn Thu Hương ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng chia sẻ, khi gần đến Tết, tôi đã đặt mua 3kg giò bê Nghệ An nhưng khi nhận hàng thì sản phẩm đã có dấu hiệu bị chảy nước, không tươi ngon như quảng cáo.

Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp ( huyện Đan Phượng) đã phát hiện và thu giữ 14 tấn xúc xích, thịt bò khô không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ đặc sản vùng miền do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ đặc sản vùng miền do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Hiện, trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, có nhiều livestream, người bán hàng quảng cáo mặt hàng thịt trâu gác bếp với giá dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/kg, lợn gác bếp có giá từ 170.000 – 220.000 đồng/kg. Tại phần giới thiệu sản phẩm, người bán thường quảng cáo được làm bằng thịt lợn sạch, chuẩn vị Tây Bắc. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mai thực phẩm Thảo Nguyên (Lào Cai) Nguyễn Thảo Nguyên cho biết, để làm được 1 kg thịt trâu, bò khô gác bếp người sản xuất cần khoảng 3- 3,5kg thịt tươi. Hiện 1 kg thịt trâu tươi đã 250.000-270.000 đồng/kg. Vì vậy, để có lãi thì giá bán trung bình 1kg thịt trâu gác bếp chính hiệu khoảng 900.000 – 950.000 đồng/kg.

“Để hạ giá thành sản phẩm những người rao bán thịt trâu, bò gác bếp giá rẻ rất có thể bị tráo bằng thịt lợn nái bởi có nét tương đồng đối với thịt trâu. Còn đối với thịt lợn gác bếp nguyên liệu sử dụng là thịt đông lạnh, hoặc thịt không rõ nguồn gốc”- bà Nguyên chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện hầu hết các cơ sở sản xuất đồ handmade nhất là là đồ ăn có quy mô nhỏ lẻ nên đa số chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước, do đó khó có thể bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. “Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm. Tuy nhiên, với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, việc tự công bố chất lượng thực phẩm gần như là không thực hiện” – bà Lan nói.

Để ngăn chặn việc sản xuất hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Ất Ty, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại. Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

“Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của  lực lượng chức năng còn đòi hỏi người dân cần trở thành người tiêu dùng thông thái khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm cần thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nơi gần nhất để xử lý nghiêm theo quy định”- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khuyến cáo.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Hà Nội: Kỷ lục thu ngân sách và bài học nuôi dưỡng nguồn thu

Kinhtedothi – Năm 2024, lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự tăng trưởng tích cực, cũng như hiệu quả của những giải pháp thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô.

Tin liên quan