Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
20 C
Hanoi
Thứ bảy, 23/11/2024, 04:29

Để kinh doanh xăng dầu tiến gần hơn với cơ chế thị trường

Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng quy định điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước thay vì thả nổi hoàn toàn cho doanh nghiệp là phù hợp trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Giám sát nguồn cung, kiểm soát chất lượng

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có tác động rất mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Thời gian qua, giới chuyên gia đã bày tỏ quan điểm về việc Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay.

Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Ảnh minh họa
Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Ảnh minh họa

TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, Nhà nước giữ vai trò quản lý và điều tiết một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, đồng thời là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, Nhà nước trao quyền định giá cho doanh nghiệp song vẫn thể hiện vai trò quản lý và điều tiết.

Việc chuyển từ cơ quan điều hành quyết định giá xăng dầu trước đây sang giao cho doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu định giá phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định được xem là bước chuyển mạnh để kinh doanh xăng dầu tiến gần hơn tới cơ chế thị trường.

Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những vướng mắc trước đây khi Nhà nước giữ quyền định giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, Cơ chế này đòi hỏi cơ quan quản lý phải rất cẩn trọng trong việc đưa ra mức giá trần phù hợp; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ sự tuân thủ của doanh nghiệp.

Cả nước hiện có 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, 280 doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu. Ảnh minh họa
Cả nước hiện có 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, 280 doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và phân giao tổng nguồn cho các doanh nghiệp này để đảm bảo kiểm soát được tổng nguồn cung ra thị trường. Cả nước hiện có khoảng 280 doanh nghiệp là thương nhân phân phối và các thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.

Theo TS Nguyễn Quốc Phương, trước đây, Nghị định 95/NĐ-CP/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân kinh doanh, phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này đã dẫn đến khó kiểm soát chất lượng xăng dầu được mua nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo nguồn cung ảo trên thị trường, khiến cơ quan quản lý không nắm được nguồn cung thực tế.

Do đó dự thảo Nghị định mới quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua từ các thương nhân phân phối xăng dầu khác. Đây được coi là giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng nguồn hàng, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát được nguồn cung thực tế nhằm đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân.

Hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Mới đây (ngày 2/10), tại hội nghị lấy ý kiến về nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định sẽ trình 2 phương án giá lên Chính phủ (trong đó có phương án doanh nghiệp tự định giá); sẽ báo cáo Chính phủ về việc doanh nghiệp phân phối có ý kiến đề xuất muốn được mua hàng của nhau.

 

Quá trình soạn thảo nghị định mới Bộ Công Thương đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Đó là thực hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm hướng tới mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương lấy ý kiến của các bộ, ngành (bằng văn bản và lấy ý kiến trực tiếp) và là lần thứ 4 trình lên Chính phủ. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị và tiếp thu ý kiến của Bộ Công Thương.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý là cả một quá trình thảo luận mở giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm xây dựng nghị định mới về xăng dầu phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nó đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức để đưa ra một nghị định mới phù hợp, vừa tạo được cơ chế thị trường nhiều nhất, vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước tốt nhất, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Mục tiêu của việc Nhà nước tham gia quản lý, điều tiết thị trường kinh doanh xăng dầu là nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng một môi trường cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu; đẩy mạnh phân cấp phân quyền và giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm, việc Bộ Công Thương xây dựng được Nghị định mới sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu song Nhà nước vẫn duy trì vai trò điều tiết của mình.

Ngoài ra, để đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân và duy trì sự ổn định của thị trường xăng dầu, Nhà nước sớm tính toán để dành nguồn lực xây dựng kho dự trữ quốc gia đảm bảo đủ dự trữ xăng dầu trong ít nhất 20 ngày. Đồng thời, xem xét thành lập sàn giao dịch xăng dầu hoạt động công khai minh bạch, giúp thương nhân phân phối có căn cứ đưa ra giá chốt.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Sơn La: điểm tựa vững chắc cho các hợp tác xã

Nằm giữa những dãy núi hùng vĩ của Sơn La, huyện Mường La nổi lên như một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế. Nơi đây, những hợp tác xã (HTX) đang vươn mình phát triển, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Tin liên quan