Kinhtedothi -Để đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) vào cuộc sống, việc cần ưu tiên trước hết là hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ.
Tháo gỡ thể chế
Sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được thành lập. Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban. Phó Trưởng Ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài. Nghị quyết số 57 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, Bộ Chính trị định hướng với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, cần có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm. Nghị quyết 57 được coi như “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của Việt Nam. Vấn đề đặt ra, phải làm sao đưa Nghị quyết vào cuộc sống là câu hỏi lớn, cần sớm có hành động cụ thể.
Nhìn nhận những thách thức triển khai, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Nghị quyết 57 tạo ra động lực cho các cán bộ quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trước mắt rất lớn. Đầu tiên là làm sao để đưa Nghị quyết số 57 đi vào cuộc sống. Thách thức thứ hai là tốc độ, thời gian để triển khai Nghị quyết. Trong bối cảnh thế giới phát triển rất nhanh, khoa học công nghệ cũng vậy, nếu Nghị quyết không được triển khai nhanh chóng thì rất có thể sẽ lạc hậu. Thách thức thứ ba là làm sao triển khai rộng rãi đến toàn dân, toàn xã hội, đến tất cả các cấp ủy Đảng một cách thường xuyên, với tốc độ rất cao mới đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để cụ thể hóa Nghị quyết này thành những thể chế, giải pháp, chắc chắn cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ phải thay đổi, tốc độ làm việc phải cao hơn. Không thể như trước đây là sửa luật, nghị định, thông tư theo năm, bây giờ phải tốc độ theo tháng. Hay triển khai các đề án, dự án trước đây có thể theo tháng thì giờ phải theo tuần. Đó là thách thức đối với từng cán bộ, từng cấp ủy Đảng.
Nghị quyết cũng cần được lan tỏa rộng rãi, trở thành hành động cụ thể đối với từng cán bộ quản lý, đảng viên, các cấp ủy, doanh nghiệp, người dân; tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi phương thức làm việc. Trong đó, mọi cá nhân đều phải thay đổi cách thức làm việc, dựa trên dữ liệu, với các hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo cùng các kỹ năng mới như tích lũy, phân tích dữ liệu. Còn nếu chỉ triển khai ở một vài bộ phận hay một vài địa bàn sẽ không tạo ra được sự lan tỏa.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo T.Ư về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra 3 vẫn đề cốt lõi phải ưu tiên trước để có thể cụ thể hóa Nghị quyết 57, đó là về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Nếu năm 2025 không tạo đột phá về 3 vấn đề này thì mục tiêu đến năm 2030 không đạt được.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách như hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ.
Hành động thực chất, tránh hình thức
Nêu cụ thể các nhiệm vụ với các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần xem xét xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 57. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu trình Ban Bí thư hướng dẫn kiện toàn bố trí cán bộ có trình độ về khoa học công nghệ trong cấp ủy các cấp. Ban Cán sự đảng Chính phủ rà soát các quy hoạch về năng lượng, tài nguyên… để đáp ứng nhu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết 57.
Tổng Bí thư nêu quan điểm chung là phát huy vai trò cá nhân, từng thành viên và tận dụng những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, những sáng tạo từ cơ sở, đảm bảo các giải pháp mang tính thực tiễn, khoa học cao. Kể cả những vấn đề chính sách, những tư vấn chuyên môn sâu, kể cả những vấn đề cụ thể cũng phải tập trung vào giải quyết.
Theo Tổng Bí thư, tinh thần là “không chờ nhau”, không để xảy ra tình trạng Ban Chỉ đạo chờ Chính phủ trình lên, hay là Chính phủ bảo chờ Ban Chỉ đạo có ý kiến… Tinh thần là phát huy cao nhất tính trách nhiệm.
Tổng Bí thư nêu, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng có hình thức phù hợp để phát động phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị – xã hội. Nghiên cứu đề xuất phương án quản lý tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Tổng Bí thư nêu dẫn chứng, có những nhà khoa học mất 50% thời gian vào việc thanh toán, thậm chí phải “nói dối” để hợp pháp hóa hóa đơn, chứng từ thì không còn thời gian để nghiên cứu.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh, có kế hoạch xây dựng đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao, nhân tài khoa học công nghệ. Có cơ chế tập hợp, thu hút đội ngũ này để huy động sức mạnh, đóng góp cho sự phát triển.
Theo kinhtedothi.vn