Ngày 17/7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.Huế khóa VIII, trả lời vấn đề dịch liên cầu lợn đang gia tăng ở Huế, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, từ đầu năm đến sáng 16/7/2025, thành phố đã ghi nhận 38 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Dịch liên cầu lợn ở Huế trong tầm kiểm soát, cần cảnh giác từ thói quen ăn uống
Ngày 17/7, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.Huế khóa VIII, trả lời vấn đề dịch liên cầu lợn đang gia tăng ở Huế, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, từ đầu năm đến sáng 16/7/2025, thành phố đã ghi nhận 38 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Trước tình hình bệnh có xu hướng gia tăng, ngành y tế cùng chính quyền thành phố đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp để kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 9145/UBND-NN ngày 11/7/2025 chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Sở Y tế cũng kịp thời ban hành hai công văn (số 2985 và 2986/SYT-NVY) yêu cầu toàn hệ thống y tế nâng cao cảnh giác và chủ động phòng chống dịch bệnh liên cầu lợn.
Một loạt biện pháp cụ thể đã được triển khai: tăng cường giám sát dịch tễ học, đặc biệt tại cơ sở y tế, cộng đồng và thông qua giám sát sự kiện để phát hiện sớm ca nghi nhiễm; khi có ca bệnh, ngành y tế tổ chức điều tra, khoanh vùng và xử lý ổ dịch theo đúng quy định.
Vệ sinh môi trường tại khu vực phát hiện ca bệnh, nhất là các nơi có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt lợn, với biện pháp phun khử trùng định kỳ bằng Cloramin B 2% hoặc các dung dịch tương tự; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để kiểm tra, tiêu hủy lợn nghi nhiễm bệnh tại lò mổ và các khu chăn nuôi có nguy cơ cao.
Ngành y tế và cơ quan thú y đã phối hợp triển khai kiểm tra toàn diện: kiểm tra chăn nuôi và lò mổ, giám sát hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh lợn và thịt lợn; kiểm soát nguồn lợn nhập từ địa phương khác, ngăn chặn lợn bệnh, đặc biệt liên quan đến các dịch như lợn tai xanh, dịch tả lợn châu Phi.

Xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ không đúng quy định, buôn bán lợn có dấu hiệu bệnh lý như chấm đỏ ở chân, đầu; Tiêu hủy lợn ốm, chết và thực hiện khử trùng chuồng trại, khu vực liên quan để dập dịch triệt để.
Ngoài ra, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường truyền thông qua nhiều kênh, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao như: người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, bán thịt lợn tươi sống và người nội trợ.
Kêu gọi người dân không ăn tiết canh, lòng lợn, thịt lợn chưa nấu chín; không tiêu thụ lợn chết, lợn nghi bệnh; luôn sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y; sử dụng găng tay, khẩu trang, rửa tay kỹ khi chế biến thực phẩm; khi có dấu hiệu nghi nhiễm, người dân cần đến cơ sở y tế sớm để được khám, điều trị kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã tổ chức lớp tập huấn cho y tế cơ sở, cập nhật kiến thức kiểm soát và điều trị bệnh, bảo đảm khoanh vùng xử lý ca bệnh hiệu quả, tránh lây lan.

Liên quan đến nguồn lây bệnh liên cầu lợn ở người, ông Nguyễn Văn Đức Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: sau khi tiến hành điều tra dịch tễ tại các khu vực có bệnh nhân mắc bệnh, cơ quan chuyên môn không phát hiện lợn mang mầm bệnh, thậm chí nhiều hộ gia đình không có hoạt động chăn nuôi.
“Từ thực tế này có thể khẳng định, nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý trên địa bàn. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y”, ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, dịch bệnh trên đàn lợn đang được kiểm soát chặt chẽ. Công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học được thực hiện đồng bộ.
Dù vẫn ghi nhận một số ổ dịch nhỏ lẻ như dịch tả lợn, tai xanh, nhưng đều được phát hiện sớm, tiêu hủy kịp thời, không để lan rộng.
Theo Congly.vn