Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
24 C
Hanoi
Thứ hai, 25/11/2024, 10:55

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một vấn đề lớn, phức tạp, vừa mang tính chính trị, pháp lý. Để làm rõ vấn đề này, ngày 1/11/2024, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới”.

 Theo đánh giá của các đại biểu, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới là một vấn đề lớn, cần thiết hiện nay.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật cũng còn một số tồn tại, hạn chế.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, để kịp thời tổ chức triển khai quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã giao Báo Pháp luật Việt Nam xây dựng chuyên mục “Thể chế trong Kỷ nguyên mới” và tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới”.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là một vấn đề lớn, phức tạp, vừa mang tính chính trị, pháp lý, vừa mang tính chuyên môn phức tạp và là phương thức để thực hiện thành công đột phá chiến lược về thể chế để chúng ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ Tư pháp rất mong nhận được những ý kiến tâm huyết, chuyên sâu về các nội dung, giải pháp cụ thể của các chuyên gia, nhà khoa học và các quý vị đại biểu.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, nhận diện những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt vai trò của đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

 GS.TS Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới thế nào để tránh bị lạc hậu và có thể theo kịp phát triển chung.

Theo GS.TS Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vấn đề đang đặt ra là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới thế nào để tránh bị lạc hậu và có thể theo kịp phát triển chung. Do đó, theo ông, cần bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung và trong từng bộ phận hợp thành công tác xây dựng pháp luật.

“Cần xác định tư duy lập pháp, lập quy, tư duy pháp luật nói chung. Trước hết phải tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao, mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam với quốc tế như thế nào, cách làm luật như hiện nay đã giải quyết được vấn đề thực tiễn chưa, điểm nghẽn trong thể chế là gì, quan hệ giữa hệ thống pháp luật với các quy phạm khác ra sao…”- GS.TS Phan Trung Lý nêu.

Đồng thời, nhấn mạnh: Lập pháp phải thể hiện quyền và ý chí của nhân dân, nguyên tắc không ủy quyền, đề nghị không tiếp tục ủy quyền trong lập pháp đồng thời làm rõ phạm vi, thẩm quyền lập pháp. Pháp luật phải thống nhất nhưng cần làm rõ hơn vấn đề phân quyền, phân cấp.

Còn theo GS.TS Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có căn cứ để thực hiện việc đổi mới tư duy, khi đang chứng kiến sự phát triển không lường trước của nền kinh tế số, thương mại hoá toàn cầu. Tuy nhiên, thực sự bứt phá và đổi mới được, chúng ta phải xác định những vấn đề còn vướng.

“Tư duy đầu tiên phải nói là tư duy về chính sách và tư duy về lập pháp. Tư duy này đòi hỏi chúng ta phải “biến” chủ trương, chính sách của Đảng thành những quy định pháp luật, nêu rõ quyền và nghĩa vụ đến đâu. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi tư duy cơ quan quản lý lĩnh vực nào thì xây dựng luật cho lĩnh vực đó bởi nếu vẫn theo tư duy này thì không tránh được tư duy ngành, tư duy cục bộ.”- GS.TS Hạnh nêu ý kiến.

Về tư duy hành pháp, Chính phủ là cơ quan thực thi pháp luật, được quyền ban hành các quy định. Tuy nhiên, ông nhận thấy, Chính phủ “đang phải làm công tác xây dựng pháp luật quá nhiều”, nên đưa Chính phủ về đúng vị trị là cơ quan hành pháp, ban hành quy định “nhắm” vào thực hiện các luật của Quốc hội…

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

Từ đêm nay Bắc Bộ trời chuyển lạnh, nhiều nơi có mưa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng chiều tối và đêm 25/11, bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Trong khi đó, Trung Bộ mưa to tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.

Tin liên quan