Thứ Bảy, Tháng 3 29, 2025
16 C
Hanoi
Thứ Bảy, 29/03/2025, 19:32

Động lực từ những chính sách đột phá phát triển kinh tế

Kinhtedothi – Những chính sách lớn đang định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó tập trung vào khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân. Đây chính là giải pháp mang tính đột phá, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ. Những chính sách lớn về phát triển kinh tế đã và chuẩn bị ra đời sẽ định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể, Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết số 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025 của Quốc hội quy định về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ; Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên…

Dòng sản phẩm đèn LED xuất khẩu trực tiếp của Sunhouse. Ảnh: Thanh Nhàn
Dòng sản phẩm đèn LED xuất khẩu trực tiếp của Sunhouse. Ảnh: Thanh Nhàn

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh nhìn thấy bốn thay đổi quan trọng nhất của Nghị quyết 57, bao gồm chuyển từ đầu tư công sang cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp dẫn dắt đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư tư nhân vào R&D, thu hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, hợp tác công – tư; ưu tiên công nghệ cao, công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, giúp Việt Nam tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, tài chính và thị trường.

“Trước đây, khoa học và công nghệ thường được xem là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế. Nghị quyết 57 nâng tầm thành động lực then chốt, nhấn mạnh vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia” – ông Đậu Tuấn Anh chỉ ra. 

Sau Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 của Quốc hội tạo ra bước tiến quan trọng khi chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trước đây, các dự án nghiên cứu thường bị ràng buộc bởi nguyên tắc bảo toàn vốn, nhưng nay có cơ chế chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu, giống như cách các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động.

Về kinh tế tư nhân, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết và sức cạnh tranh yếu.

Ông Đậu Tuấn Anh kỳ vọng, nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân sắp ra đời sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng loạt giải pháp mạnh mẽ. Đặc biệt, có thể có những chiến lược riêng cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, cũng như có chính sách để thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh tiến lên thành lập doanh nghiệp. “Điều đáng mừng, mặc dù Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân chưa cần ra đời thì hiện đã có những xu hướng mới cho thấy sự tin tưởng và nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Một loạt doanh nghiệp tư nhân được tham gia các dự án trọng điểm như làm đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng lớn” – lãnh đạo VCCI nhìn nhận.

Nền tảng thúc đẩy tăng trưởng 2 con số

Năm 2025, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5 – 7%, phấn đấu 7 – 7,5%. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg với mục tiêu phải tăng tốc, bứt phá hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, bởi để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, ngoài những giải pháp làm mới động lực tăng trưởng truyền thống phải là những giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Tuấn Anh đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ, từ chính sách kinh tế, khoa học công nghệ đến quản trị doanh nghiệp. Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những chính sách lớn này có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt, tạo ra áp lực những cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm thậm chí có thể là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Cùng chung quan điểm, GS.TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ rõ, cùng với những động lực tăng trưởng truyền thống, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, được xem như động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Đó là thực hiện tinh gọn bộ máy; sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh, thành; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ; phát triển kinh tế tư nhân và khoa học công nghệ, chuyển đổi số…

Từ những đổi mới chính sách trong nước, dựa trên xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để nắm bắt cơ hội cho tăng trưởng cao, năm 2025, doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới công nghệ, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, chuyển nhanh sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Khẳng định những Nghị quyết lớn mới được ban hành là động lực để đạt được tăng trưởng 8% trong năm nay và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, TS. Nguyễn  Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư chỉ ra, nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa tạo được đột phá thực sự, khiến thể chế trở thành “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Mặc dù lựa chọn chiến lược là đúng đắn, nhưng cách thức thực hiện lại chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng bế tắc.

TS. Nguyễn Đình Cung mong muốn, bên cạnh công cuộc tinh gọn bộ máy, sẽ có một cuộc cách mạng tinh gọn về pháp luật, với kế hoạch xóa bỏ hàng hoạt những luật không còn phù hợp hoặc gây cản trở cho phát triển. Ông cũng cho rằng, các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên được giảm bớt quy định, chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động, gia tăng tính tự do trong kinh doanh, tỏng khi vẫn đảm bảo các tiêu chí về an toàn.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

“Quy hoạch ngược” và bài toán quản lý

Quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD) có một cách tiếp cận mới gọi là “quy hoạch ngược”, chấm dứt tình trạng giao thông chạy theo đô thị.

Tin liên quan