Với mục tiêu GDP 8% năm nay, tỷ lệ tăng tín dụng 6 tháng đầu năm ấn tượng, các chuyên gia ngân hàng chỉ ra 4 động lực tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay: đầu tư công, chính sách hỗ trợ tư nhân, nới hạn mức tín dụng và hồi phục bất động sản.
Tăng trưởng đạt kỳ vọng
Theo số liệu, tính đến cuối tháng 6/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,9% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức 6,1% cùng kỳ 2024 và là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây là mức tích cực hơn so với nhận định của các chuyên gia hồi quý 1. Với đà hiện tại, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 17–18% đang dần trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm, hệ thống ngân hàng cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Dưới đây là bốn động lực then chốt đang góp phần tạo xung lực cho tín dụng cuối năm.

Giải ngân đầu tư công tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt: Trong nửa đầu năm, vốn đầu tư công giải ngân ước đạt 268.000 tỷ đồng, tương đương gần 30% kế hoạch năm. Mức giải ngân này tăng trên 42% so với cùng kỳ 2024, song vẫn còn nhiều dư địa khi tỷ lệ hoàn thành kế hoạch chưa đạt kỳ vọng.
Thực tế cho thấy giải ngân đầu tư công thường có mối tương quan chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Khi các dự án hạ tầng, giao thông, năng lượng và logistics được đẩy mạnh triển khai, nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và nhà thầu tăng đáng kể. Các ngân hàng thương mại có thế mạnh tài trợ dự án nhờ đó cũng được hưởng lợi.
Nếu nửa cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân trên 70% kế hoạch, đây sẽ là lực đẩy lớn cho tín dụng, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có tệp khách hàng doanh nghiệp lớn và vừa.
Chính phủ tiếp tục thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các giải pháp bao gồm: miễn, giảm thuế và lệ phí; ưu đãi tín dụng lãi suất thấp; hỗ trợ tiếp cận vốn không cần thế chấp tài sản.
Điểm đáng chú ý là chủ trương thay đổi cơ chế cấp tín dụng, hướng tới xét duyệt theo dòng tiền và phương án kinh doanh thay vì tài sản bảo đảm, giúp mở rộng khả năng tiếp cận vốn.
Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng thực, khả năng hấp thụ vốn cao và là động lực tăng trưởng bền vững. Khi các gói hỗ trợ tài khóa và tín dụng được giải ngân đúng đối tượng, tín dụng khu vực tư nhân sẽ có bước tăng mạnh trong quý III và IV.
Triển vọng từ các động lực chính
Việc quản lý tín dụng bằng “room”, được hiểu là mức khung cho phép trong nhiều năm qua từng dẫn đến tình trạng ách tắc vốn vào cuối năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai cơ chế giám sát rủi ro thay cho giới hạn hành chính, mở đường cho tín dụng phân bổ hiệu quả hơn.

Cụ thể, thay vì cấp “room” cứng, cơ quan quản lý đánh giá năng lực từng ngân hàng dựa trên các chỉ số như: CAR (hệ số an toàn vốn), NPL (tỷ lệ nợ xấu), ROA/ROE và chi phí vốn.
Các ngân hàng có năng lực quản trị tốt, minh bạch và an toàn sẽ được mở rộng tín dụng linh hoạt hơn. Điều này không chỉ giúp phân bổ vốn theo thị trường, mà còn giảm áp lực “chạy chỉ tiêu” vào cuối quý – vốn là điểm nghẽn trong nhiều năm qua.
Thị trường bất động sản bắt đầu có tín hiệu phục hồi khi nhiều nút thắt pháp lý được tháo gỡ. Các cơ quan chức năng đã cải cách mạnh về thủ tục hành chính, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm và rút ngắn thời gian phê duyệt dự án.
Việc minh bạch hóa pháp lý giúp tăng niềm tin của ngân hàng khi xét duyệt tín dụng cho các dự án khả thi, nhất là các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực như: Nhà ở xã hội, Nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp, logistics…
Ngoài ra, lãi suất cho vay trung dài hạn đã giảm từ 10–11%/năm xuống 8–9%/năm, làm tăng khả năng hấp thụ vốn của thị trường. Đây là tín hiệu tích cực giúp khơi thông tín dụng cho một lĩnh vực từng bị “nghẽn mạch” trong hơn 2 năm qua.
Mặc dù triển vọng tăng trưởng tín dụng cuối năm 2025 rất tích cực, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh việc mở rộng tín dụng cần song hành với kiểm soát rủi ro, nhất là trong bối cảnh một số phân khúc kinh tế vẫn hồi phục chưa đồng đều.
Việc đẩy tín dụng quá nhanh, không kiểm soát chất lượng, có thể khiến nợ xấu gia tăng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và tiêu dùng.
Do đó, ngoài việc tận dụng cơ hội tăng trưởng, các ngân hàng cũng cần nâng cao khả năng thẩm định tín dụng, phân tích dòng tiền và tăng cường quản lý rủi ro danh mục vay.
Với 4 động lực then chốt: đầu tư công, khu vực tư nhân, cải cách chính sách tín dụng và bất động sản phục hồi, nền kinh tế đang có nền tảng vững chắc để thúc đẩy tín dụng những tháng cuối năm.
Nếu các yếu tố này được khai thác đúng mức và thực thi hiệu quả, tăng trưởng tín dụng cả năm hoàn toàn có thể vượt mục tiêu 17–18%, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 ở mức 7,5–8% như kỳ vọng của Chính phủ.
Theo Congly.vn