Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
21 C
Hanoi
Thứ bảy, 23/11/2024, 09:17

Đưa nông thôn tiến gần thành thị

Sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 115 của Quốc hội khóa XIV đã góp phần thúc đẩy phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn của Hà Nội, đưa nông thôn ngày một xích gần thành thị.

Quan trọng hơn là tăng cường gắn kết, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các quận – huyện trên địa bàn Thủ đô.

Duy trì vị thế lá cờ đầu

Theo đánh giá của Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, nguồn vốn hỗ trợ của các quận dành cho các huyện đã giúp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của TP đạt được bước tiến nhanh hơn cả về lượng và chất. Diện mạo nông thôn Hà Nội ngày một khởi sắc, tiếp tục duy trì vị thế lá cờ đầu của cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Tính đến tháng 10/2024, 18/18 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội đều đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 382/382 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã được công nhận về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Một góc Trường Mầm non xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Trọng Tùng
Một góc Trường Mầm non xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Trọng Tùng

Vừa qua, huyện Thanh Trì vinh dự trở thành địa phương đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. 3 huyện khác gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, cũng đã hoàn thiện các bước thẩm định, đang trình hồ sơ xin ý kiến của Hội đồng thẩm định nông thôn mới T.Ư xem xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ “Huyện nông thôn mới nâng cao”.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện cũng đã đạt và cơ bản đạt 8 điều kiện theo quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, địa phương có xuất phát điểm hết sức khó khăn; không chỉ xa trung tâm, có địa hình đa dạng, huyện cũng có 7/14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cũng bởi vậy mà mãi tới giữa tháng 9/2023, huyện Ba Vì mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới – là đơn vị hành chính cấp huyện cuối cùng của Hà Nội về đích.

Trong thành quả xây dựng nông thôn mới sau gần 15 năm nỗ lực của huyện Ba Vì, cùng với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, ông Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ tích cực của chính quyền và Nhân dân các quận nội thành.

“Huyện đã nhận được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ từ các quận như Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy… để triển khai đầu tư xây dựng hàng chục dự án hạ tầng kinh tế – xã hội. Đây là tiền đề hết sức quan trọng giúp Ba Vì hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí, về đích huyện nông thôn mới…” – ông Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.

 

Tương trợ lẫn nhau, vì một Hà Nội phát triển

Hà Nội xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm đầu và không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, các sở ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, huy động và bố trí nguồn lực để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phấn đấu xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống.

Đối với các quận, Thành ủy đề nghị tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ các huyện, trong đó chú trọng giúp đỡ các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Đồng thời, tăng cường kết nối, tương trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế – xã hội, vì một Hà Nội ngày một phát triển toàn diện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến

Làm sâu sắc thêm mối quan hệ quận – huyện

Nguồn vốn của các quận hỗ trợ các huyện được cân đối, bố trí từ ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là kinh phí hỗ trợ của người dân các quận dành cho người dân các huyện còn nhiều khó khăn. Sự sẻ chia là động lực, nguồn lực to lớn giúp các huyện hoàn thiện nhiều tiêu chí cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế – xã hội, từ đó tiến thêm một bước đến mục tiêu nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, là địa bàn có xuất phát điểm thấp nên công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, hỗ trợ từ các quận có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp địa phương về đích “Huyện nông thôn mới” vào năm 2021.

“Chúng tôi nhận thức rõ nguồn lực hỗ trợ của các quận là tấm lòng sẻ chia rất đáng quý. Chính vì vậy, việc quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm, để không phụ tấm lòng của Nhân dân các quận nội thành…” – ông Đỗ Minh Tuấn chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trên thực tế địa phương vẫn còn những khó khăn nhất định về ngân sách đầu tư; tuy nhiên, so với các huyện ngoại thành thì nguồn lực có tốt hơn. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, từ tháng 6/2020 (khi Nghị quyết 115 được Quốc hội khóa XIV ban hành) đến nay, quận đã dành gần 341 tỷ đồng hỗ trợ 8 huyện xây dựng nông thôn mới.

“Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ coi việc hỗ trợ là sự sẻ chia đối với khó khăn của các huyện ngoại thành còn nhiều thiếu khó. Đây cũng là trách nhiệm chung tay của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển của TP, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2025” – ông Nguyễn Thanh Tịnh nói thêm.

Cho đến nay, các công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của các quận đều đang phát huy hiệu quả tích cực. Các huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội một cách hiệu quả và đúng mục đích. Trước hết là tránh lãng phí tài sản công; thứ nữa là không phụ tấm lòng của các quận.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhìn nhận, chủ trương đúng đắn, giàu tính nhân văn của Quốc hội khóa XIV, sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy – UBND TP Hà Nội và việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả từ TP đến cơ sở, đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguồn lực hỗ trợ của các quận góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại các huyện khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Nguồn lực hỗ trợ của các quận góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại các huyện khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng

“Nghị quyết 115 của Quốc hội khóa XIV đã góp phần mang lại những thành quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội; đưa nông thôn ngày một xích gần thành thị. Quan trọng hơn là góp phần tăng cường gắn kết, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các địa phương, xây dựng hệ thống chính trị ngày một vững mạnh trên địa bàn Thủ đô…” – ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

 

Cần xác lập những giá trị mới

Cùng với nguồn lực hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng của các quận dành cho các huyện, việc phát triển những mối liên kết mới nhằm khai thác tối đa thế mạnh của các địa phương là hết sức quan trọng.

Để làm được điều đó, các quận – huyện cần chủ động trao đổi nhằm xác lập những giá trị mới, từ đó xây dựng định hướng hợp tác trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội về lâu dài, phù hợp với đòi hỏi thực tế của Thủ đô.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại

(Còn nữa)

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong sớm

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động.

Tin liên quan