Trong một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, người gây tai nạn không chỉ bỏ trốn mà còn có hành vi quay lại hiện trường để xóa dấu vết, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức và tâm lý của người điều khiển phương tiện.
Từ bỏ trốn đến hành vi xóa dấu vết, giấu thi thể
Tai nạn giao thông vốn dĩ đã là bi kịch. Nhưng càng đau lòng hơn khi người gây tai nạn không dừng lại để cứu người, mà còn thực hiện những hành vi đi ngược hoàn toàn với đạo đức và pháp luật như: Tìm cách xóa dấu vết hiện trường hoặc thậm chí… phi tang thi thể.

Đêm 26/6/2017, N.Q.H (28 tuổi), cán bộ ngân hàng chi nhánh huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), điều khiển xe ô tô KIA Cerato (thuê từ một cơ sở cho thuê xe) trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. H đã đâm vào xe máy do anh H.Đ.G (32 tuổi) điều khiển, chở vợ và 3 con nhỏ. Cú va chạm khiến cháu H.Đ.Đ (7 tuổi) tử vong; các thành viên còn lại bị thương nặng. Sau khi gây tai nạn, N.Q.H không dừng lại cứu giúp mà lái xe bỏ trốn, sau đó quay lại hiện trường thu dọn mảnh vỡ nhằm xóa dấu vết, rồi mang xe đi sửa chữa để che giấu hành vi phạm tội.
Ngày 30/11/2017, Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt N.Q.H 15 tháng tù giam về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, Hiếu bị buộc bồi thường 240 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Ở một vụ việc khác, N.K.T, sinh năm 1986, trú tại TP. Chí Linh (Hải Dương), là tài xế xe tải đã gây ra vụ tai nạn giao thông vào rạng sáng 25/8/2021 trên Quốc lộ 18, đoạn qua phường Cộng Hòa. Nạn nhân là anh P.V.N (21 tuổi), bị tông tử vong tại chỗ trong lúc điều khiển xe máy. Điều đáng nói, sau khi gây tai nạn cho anh N, T không dừng lại để cấp cứu mà lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường.
Ngay sau vụ việc, T đã đưa chiếc xe đến một số gara trong khu vực để tiến hành sơn sửa, thay thế phụ tùng với mục đích xóa dấu vết, gây khó khăn cho công tác điều tra. Tuy nhiên, do việc xóa dấu vết không triệt để, các dấu tích như máu và dịch cơ thể của nạn nhân vẫn còn lưu lại trong khoang xe. Đây chính là manh mối quan trọng giúp cơ quan chức năng nhanh chóng truy vết và xác định được đối tượng gây án.
Ngày 20/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Chí Linh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam N.K.T để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Hành vi bỏ trốn và cố tình xóa dấu vết hiện trường được đánh giá là tình tiết tăng nặng, thể hiện rõ ý thức trốn tránh trách nhiệm pháp lý sau khi gây hậu quả chết người.
Khoảng 8h00 sáng ngày 22/4/2020 tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, tài xế N.V.V (sinh năm 1987), điều khiển xe tải chở vật liệu xây dựng. Trong lúc lùi xe vào hẻm nhỏ, V đã không quan sát kỹ và cán phải bé trai hơn 1 tuổi đang chơi phía sau xe, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi phát hiện sự việc, V đã bế thi thể cháu bé đến một hố rác gần đó để giấu, rồi quay lại hiện trường dùng đất, cát lấp lên vết máu nhằm xóa dấu vết trước khi rời khỏi hiện trường.
Toàn bộ hành vi của tài xế V đã bị camera an ninh của nhà dân ghi lại. Sau khi nhận được tin báo, Công an thị xã Hoàng Mai đã tiến hành điều tra và bắt giữ V. Ngày 30/4/2020, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam V về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự, với tình tiết tăng nặng là “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”. Đáng chú ý, V. và gia đình nạn nhân có quan hệ họ hàng gần, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.
Khi bản năng sinh tồn và nỗi sợ trách nhiệm trỗi dậy
Từ ba vụ việc kể trên có thể thấy một điểm chung: Sau gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, thay vì gọi cấp cứu hoặc trình báo cơ quan chức năng, những người gây tai nạn đều chọn hành động che giấu, phi tang và bỏ trốn. Những hành vi này, thoạt nhìn, có thể được lý giải là biểu hiện của bản năng sinh tồn, nhưng sâu xa hơn là sự trỗi dậy của tâm lý lo sợ trách nhiệm, hoảng loạn, thiếu kiểm soát và mất niềm tin vào hậu quả pháp lý có thể xảy đến.
Theo TS. Đào Trung Hiếu – chuyên gia tâm lý tội phạm, các diễn biến tâm lý của người gây tai nạn thường đi theo chu trình 5 bước: (1) Phủ nhận – không tin mình là người gây ra hậu quả nghiêm trọng; (2) Tự biện minh – cho rằng do hoàn cảnh, do nạn nhân; (3) Lo sợ – tức giận vì sợ bị truy tố, mất danh dự; (4) Dằn vặt – tội lỗi, và cuối cùng là (5) Tìm cách chuộc lỗi hoặc trốn tránh hoàn toàn. Trong những tình huống không có người thân hoặc chuyên gia can thiệp kịp thời, người gây tai nạn dễ rơi vào khủng hoảng, mất khả năng đánh giá đúng sai, và hành vi phản ứng lúc này mang tính bản năng hơn là lý trí.
Tâm lý học hành vi còn lý giải rằng, một số hành vi bất thường như quay lại cán nạn nhân lần hai, xóa dấu vết hiện trường, thậm chí phi tang thi thể có thể xuất phát từ hai khả năng. Một là do đối tượng mất kiểm soát bản thân trong trạng thái sốc, hoảng loạn cực độ. Hai là, trường hợp có chủ đích xóa dấu vết, như dời xác, phi tang chứng cứ, tạo hiện trường giả…
Ở trường hợp thứ hai, người này không còn chỉ là đối tượng “gây hậu quả do lỗi”, mà đã chuyển sang trạng thái cố ý che giấu tội phạm – có dấu hiệu cấu thành hành vi hình sự nghiêm trọng hơn, cần điều tra theo hướng hủy hoại chứng cứ – cản trở điều tra – giết người trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, cần phân tích kỹ bối cảnh, diễn biến tâm lý, và cả đặc điểm nhân cách trước đó để đánh giá đúng hành vi.
Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nêu trên đều được khởi tố và xét xử theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Theo quy định, nếu người điều khiển phương tiện giao thông gây chết người hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm tùy theo tình tiết tăng nặng. Trong các vụ án được đề cập, hành vi bỏ trốn, không cứu giúp người bị nạn, cố tình làm sai lệch hiện trường đều là những tình tiết làm tăng mức độ nghiêm trọng của tội phạm và khung hình phạt áp dụng.
Những hành vi như giấu xác, xóa dấu vết hiện trường… sau khi gây tai nạn giao thông không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn phản ánh sự xuống cấp về đạo đức và ý thức trách nhiệm của người điều khiển phương tiện. Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp này là cần thiết để răn đe và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông trong cộng đồng.
Theo chuyên gia xã hội học PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, một xã hội an toàn giao thông không chỉ phụ thuộc vào luật lệ và chế tài mà còn được xây dựng từ ý thứ chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Một xã hội an toàn giao thông không chỉ phụ thuộc vào luật lệ và chế tài, mà còn phụ thuộc vào ý thức pháp luật của mỗi người tham gia giao thông. Khi người lái xe hiểu rằng mọi hành vi vi phạm sau tay lái đều để lại hệ quả pháp lý nghiêm trọng – và rằng trốn tránh không phải là con đường thoát tội, thì ý thức tuân thủ mới thực sự được định hình từ gốc. Và đó cũng chính là nhiệm vụ dài hạn của truyền thông, pháp luật và giáo dục công dân trong một xã hội văn minh, pháp quyền.
Theo Congly.vn