Thứ tư, Tháng mười 2, 2024
25 C
Hanoi
Thứ tư, 2/10/2024, 21:23

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao

Việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati đang tạo ra nhiều biến động cho thị trường gạo toàn cầu. Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên gia, những tháng cuối năm 2024, giá gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và khó giảm dưới mức 500 USD/tấn.

Áp lực giảm giá gạo

Mới đây, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm theo nhiều chính sách giảm thuế xuất khẩu gạo của nước này ra thị trường thế giới. Theo chuyên gia, sự trở lại của nguồn gạo từ Ấn Độ tuy đã bước đầu có tác động với thị trường gạo toàn cầu nhưng không quá lớn.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Ảnh  minh họa
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Ảnh  minh họa

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trên thị trường xuất khẩu, tính đến ngày 2/10, giá gạo 100% nguyên tấm giữ ở mức 454 USD/tấn, gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 562 USD/tấn và gạo 25% tấm giữ mức 530 USD/tấn. Chủ tịch VFA Nguyễn Văn Nam nhận định, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25.

Đáng chú ý, động thái của Ấn Độ cũng được VFA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát sao, bởi việc Ấn Độ tham gia thị trường xuất khẩu gạo trở lại khiến nguồn cung dồi dào, gây áp lực lớn với hầu hết quốc gia xuất khẩu trong việc giảm giá gạo, đặc biệt là phân khúc gạo trắng thông dụng.

Theo đó, doanh nghiệp và người nông dân sản xuất lúa gạo cần có sự phối hợp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung để giữ thế chủ động trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có thể có biến động do nguồn cung tăng.

Thu mua lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa
Thu mua lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam Nguyễn Đức Dũng đánh giá: thời gian qua, giá gạo thế giới đã điều chỉnh giảm do nguồn cung tại châu Á gia tăng. Mới đây, Ấn Độ lại dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và đưa ra giá sàn 490 USD/tấn. Mức giá này đang khá sát với giá gạo thế giới. Nhiều khả năng, động thái này của Ấn Độ sẽ khiến giá gạo còn điều chỉnh giảm thêm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điều này không đáng lo vì Việt Nam vẫn đang giữ vị thế tốt ở nhiều phân khúc. Nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp vẫn phải kiên trì thực hiện chiến lược nâng cao giá trị, tạo sự khác biệt cho gạo Việt Nam thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Yếu tố hàng đầu là chất lượng

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng lưu ý, nông dân và các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam nên tiếp tục theo dõi các động thái xuất, nhập khẩu của Ấn Độ cũng như của các nước trên thế giới. Dấu hiệu tích cực là các quốc gia nhập nhiều gạo như Philippines, Indonesia… vẫn tăng nhu cầu nhập khẩu gạo so với kế hoạch đầu năm để đảm bảo tiêu dùng nội địa.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn với trị giá trên 4 tỷ USD, tăng 6,2% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành hơn 80% kế hoạch xuất khẩu năm và dự kiến đạt mục tiêu 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.

Điều này đồng nghĩa, cầu thị trường vẫn có và các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng không quá lo ngại về giá gạo xuất khẩu sẽ giảm sâu. Nhất là giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã khẳng định được vị trí là nhà xuất khẩu gạo uy tín, với nhiều chủng loại gạo chất lượng cao.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu (khoảng 6 – 6,5 triệu tấn/năm). Từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái nên không lo ngại về tồn kho.

Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các DN xuất khẩu. Việc cần làm là các DN xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, tình huống.

Yếu tố quan trọng ở đây vẫn làm sao đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Tiếp đến, phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Bởi, điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến một DN mà có thể nói là rất nhiều DN xuất khẩu gạo của đất nước.

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Vụ học sinh ngộ độc ở Hà Nội: Xác minh thêm nguồn thực phẩm khác ngoài nước ngọt

Liên quan đến vụ nhóm học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở Hà Nội, ngày 2/10, trao đổi với PV báo Công lý, một lãnh đạo Công an huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội cho biết, đơn vị đang mở rộng xác minh thêm các nguồn thực phẩm khác.

Tin liên quan