Hiện nay, dù còn trước Tết Âm lịch 4 tháng, nhưng giá vé khứ hồi chặng TP.HCM – Hà Nội dao động 6,6 – 7,4 triệu đồng, tăng khoảng 8% so với năm trước.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với phương án nghỉ Tết Nguyên đán của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nghỉ kéo dài 9 ngày.
Thực tế từ trước đến nay, càng gần về Tết thì giá vé sẽ càng cao vì vào dịp cao điểm. Ví dụ như chặng TP.HCM – Hà Nội, bay 24/1 (25 Tết) về 1/2 (Mùng 4 Tết) vé khứ hồi từ 7 triệu đồng (gồm thuế, phí). Trong đó, vé của Bamboo Airways và Vietnam Airlines từ 7,7 triệu đồng (gồm thuế, phí).
Giá của các chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng có giá cao tương đương với chặng bay TP.HCM – Hà Nội. Ví dụ như, khứ hồi TP.HCM – Vinh khoảng 7,3 triệu đồng; TP.HCM – Hải Phòng từ 7 triệu đồng (đã gồm thuế, phí). Tính chung, giá vé nội địa các chặng dịp Tết Ất Tỵ đắt thêm trung bình 5-8% so với năm trước.
Vì giá vé cao trong thời điểm này, nên một số đại lý cho biết lượng đặt vé rất ít, không dám nhập nhiều vé vì lo ngại thua lỗ.
Theo ghi nhận từ các website, hiện tại chưa có chặng bay nào “cháy vé”, số lượng còn khá nhiều. Đại diện các hãng hàng không cũng cho biết, hành khách đặt vé muộn hơn mọi năm. Giá vé tăng do khan hiếm tàu bay và chi phí đầu vào biến động. Từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng trung bình 3,75%.
Báo cáo của Vietnam Airlines và Vietjet Air – hai hãng hàng không lớn cũng cho thấy giá vé khó có khả năng giảm do chi phí bảo trì, bảo dưỡng và mua sắm thiết bị bay tăng cao. Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,4% trong nửa đầu năm, gây thêm áp lực tài chính đáng kể cho các hãng hàng không. Vietjet đặc biệt gặp khó khăn do các khoản vay tài chính và lỗ do chênh lệch tỷ giá.
Không chỉ vậy, giá nhiên liệu Jet A1 còn chịu ảnh hưởng bởi các biến động quốc tế cùng với những loại thuế như thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các loại thuế này được ước tính chiếm khoảng 7,7-8,7% tổng chi phí cho mỗi chuyến bay.
Áp lực về khả năng cung ứng chuyến bay trong dịp Tết còn gia tăng bởi tình trạng thiếu hụt máy bay. Vào tháng 6, CEO Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà đã thông báo rằng, hãng phải tạm dừng khai thác từ 13-15 máy bay do sự cố động cơ Pratt & Whitney trên dòng Airbus A321neo, cũng như một số động cơ của Airbus A350 và Boeing B787.
Để giảm áp lực về giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm cân bằng cung-cầu trên thị trường. Các hãng hàng không được tạo điều kiện để thuê thêm máy bay và mở rộng đội tàu bay hiện có. Ví dụ, Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận thêm 3 máy bay, trong khi Vietjet Air có kế hoạch bổ sung 10 máy bay mới. Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đang lên kế hoạch tăng số lượng máy bay khai thác để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay giữa các chuyến bay, nhằm tối đa hóa hiệu quả khai thác trong ngày. Các chuyến bay được khuyến khích tăng cường vào các khung giờ chiều tối và ban đêm. Tăng tham số điều phối tại các cảng hàng không trọng điểm, giúp tối ưu hóa số lượng chuyến bay trong các giai đoạn cao điểm như Tết Nguyên đán. Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không kê khai và niêm yết giá vé rõ ràng, công khai thông tin về giá vé theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, hành khách được khuyến cáo nên đặt vé sớm để có thêm lựa chọn và nhận được mức giá phù hợp, liên tục cập nhật thông tin chuyến bay và chủ động làm thủ tục trực tuyến (check in online) trước khi đến sân bay để tiết kiệm thời gian
Theo Congly.vn