Bất chấp yếu tố hỗ trợ giá đến từ sự yếu của đồng USD và dự báo nhu cầu sưởi ấm tăng do bão mùa đông, giá xăng dầu thế giới “chững” đầu phiên giao dịch trượt nhẹ.
Các chuyên gia cho biết, theo Reuters và Oilprice, giá dầu “dậm chân tại chỗ” đầu phiên giao dịch ngày 7/1, chờ thêm các tin tức tác động.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 6/1), giá dầu giảm nhẹ, cắt đứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Sự trượt dốc này của giá dầu chịu tác động bởi một số tin tức kinh tế bi quan từ Mỹ và Đức bất chấp yếu tố hỗ trợ giá đến từ sự yếu của đồng USD và dự báo nhu cầu sưởi ấm tăng do bão mùa đông.
Giá dầu Brent giảm 21 cent, tương đương 0,3%, xuống mức 76,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 40 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 73,56 USD/thùng.
Bất chấp sự sụt giảm trong phiên, cả hai mặt hàng dầu chuẩn vẫn ở trong vùng quá mua về mặt kỹ thuật trong ngày thứ 3 liên tiếp.
Tuần trước, ngày 3/1, giá dầu Brent đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 11/10/2024, được hỗ trợ bởi kỳ vọng các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn sẽ giúp phục hồi nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại Tập đoàn Eurasia chuyên về tư vấn cho biết, thị trường dầu mỏ bước vào năm 2025 với các yếu tố cơ bản về cung và cầu cân bằng, nhưng giá cả được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị kéo dài. Theo họ, trong năm nay, thị trường dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu thấp, có thể bị vượt qua bởi nguồn cung mới, đặc biệt là từ Mỹ và có khả năng là từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.
Theo Reuters, giá dầu đã mất đà, từ bỏ mức tăng đầu phiên và lao dốc sau dữ liệu kinh tế từ Mỹ và Đức. Dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong tháng 11/2024, đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã giảm 0,4% sau khi tăng 0,5% hồi tháng 10 do nhu cầu máy bay thương mại yếu trong khi chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị dường như đã chậm lại trong quý IV/2024.
Trong khi đó, tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát giá tiêu dùng hằng năm trong tháng 12 tăng lên mức 2,9%, cao hơn 0,3% so với mức dự báo của các nhà phân tích và hơn 0,5% mức lạm phát của tháng trước đó. Lạm phát tăng cao là do giá thực phẩm tăng cao và giá năng lượng giảm ít hơn so với những tháng trước.
Để kiềm chế lạm phát cao, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất và điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Giá dầu đã từ bỏ mức tăng đầu phiên được hỗ trợ bởi cơn bão mùa đông tràn qua Mỹ khiến giá khí đốt tự nhiên, một loại nhiên liệu sưởi ấm, tăng vọt 10%, trong khi giá dầu diesel tương lai đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 7/10/2024. Giá dầu cũng tăng đầu phiên giao dịch khi đồng USD giảm 1,1% sau thông tin Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc áp dụng mức thuế quan chỉ áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã thu hẹp phần lớn mức giảm đó sau khi ông Trump phủ nhận thông tin trên.
Dấu hiệu cho thấy kỳ vọng về nhu cầu mạnh mẽ hơn, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Aramco đã tăng giá dầu thô cho người mua châu Á vào tháng 2 lần đầu tiên sau 3 tháng.
Còn lại Sudan đã dỡ bỏ lệnh bất khả kháng kéo dài gần một năm đối với hoạt động vận chuyển dầu thô từ quốc gia láng giềng Nam Sudan đến một cảng trên Biển Đỏ sau khi điều kiện an ninh được cải thiện.
Theo kinhtedothi.vn