Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark (Đồng Nai) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu cho một bệnh nhân N.V.D (64 tuổi, ngụ Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) khỏi tình trạng bí tiểu cấp tính do sỏi bàng quang kích thước lớn và nhiều biến chứng khác liên quan đến đường tiết niệu.
Theo đó, bệnh nhân N.V.D nhập viện cấp cứu trong tình trạng bí tiểu cấp tính. Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng (Siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu,…) các bác sĩ phát hiện ông D. mắc một loạt các vấn đề về đường tiết niệu. Cụ thể, sỏi bàng quang kích thước lớn 10x8cm, dày thành bàng quang, tăng sản tiền liệt tuyến, thận ứ nước độ II, giãn toàn bộ niệu quản và sỏi niệu quản phải.
Tình trạng này không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội mà còn đe dọa nghiêm trọng đến chức năng của thận. Nếu không được điều trị kịp thời, ông D. có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận mạn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội soi bóc u tiền liệt tuyến và mổ mở lấy sỏi, đội ngũ y bác sĩ đã thành công loại bỏ toàn bộ các viên sỏi, giải phóng đường tiểu và khôi phục chức năng thận cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật này được đánh giá là một trong những ca phẫu thuật khó và phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo, chính xác cao và kinh nghiệm dày dặn của các bác sĩ. Việc kết hợp hai kỹ thuật này đã giúp giảm thiểu tối đa các biến chứng có thể xảy ra, đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân.
Chia sẻ về ca phẫu thuật thành công, BS CKI Lê Xuân Bảo – chuyên khoa Ngoại tiết niệu cho biết: “Ca phẫu thuật là một ví dụ điển hình cho thấy sự phức tạp của các bệnh lý đường tiết niệu và tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị sớm. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ và sự tin tưởng của bệnh nhân, chúng tôi đã đạt được kết quả khả quan.”
Sau ca phẫu thuật, sức khoẻ ông D. hồi phục tốt và có thể xuất viện sau 2 ngày tới, Bác sĩ Bảo chia sẻ thêm.
Để phòng ngừa bệnh lý sỏi đường tiết niệu, BS Bảo khuyến cáo mọi người nên:
Uống ít nhất 2 lít nước để giúp loãng nước tiểu và đào thải các chất cặn bã.
Hạn chế các thực phẩm giàu oxalate như: rau bina, đậu phộng, sô cô la; giảm lượng muối và protein động vật.
Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng thận.
Khám sức khỏe định kỳ: Thường xuyên đi khám để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, để phòng ngừa sỏi đường tiết niệu, mọi người nên chú ý đến các yếu tố nguy cơ như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và duy trì lối sống lành mạnh. Việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý này sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Theo Congly.vn