Kinhtedothi- Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các bộ ngành còn hơn 2 tháng (tính đến 31/1/2025), để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Giờ là lúc các bộ, ngành, địa phương phải chạy đua với thời gian.
Còn hơn 45% vốn chưa giải ngân
Theo báo cáo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2024 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, (thấp hơn đáng kể cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Các khó khăn chủ yếu đến từ 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, các vướng mắc về thể chế, chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Các quy định về đầu tư công, giải phóng mặt bằng hay sử dụng vốn ODA vẫn còn nhiều bất cập, khiến quy trình triển khai kéo dài. Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các dự án giao thông trọng điểm. Các vướng mắc về đất đai, đền bù, tái định cư làm chậm tiến độ khởi công và thi công. Thứ ba, tình trạng thiếu nguyên vật liệu, nhất là cát san lấp, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án xây dựng.
Đơn cử như Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt được so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số địa phương chưa có nguồn thu thực tế do vậy chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ…
Năm 2024 được xem là năm đẩy mạnh xây dựng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khi các dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 và dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã hoàn tất việc đấu thầu và đã tiến hành khởi công từ nửa cuối năm 2023.
Kế hoạch đầu tư công của năm 2024 là 657.349 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân năm 2024 theo kế hoạch dự kiến đạt 95%. Thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 không còn nhiều, nhưng vẫn còn hơn 45% lượng vốn chưa được giải ngân.
7 tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT làm tổ trưởng đôn đốc giải ngân. Thực hiện cùng lúc hai cơ chế: Các thành viên Chính phủ làm việc với địa phương, có phân công cụ thể địa phương để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, là tổ chức triển khai thực hiện. Nhóm giải pháp thứ ba là về tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, đặc biệt các thủ tục điều chỉnh dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, dự án nào đang trong quá trình thủ tục điều chỉnh thì phải kết thúc ngay để tiếp tục thực hiện nếu không sẽ bị chậm trễ tiến độ.
Về thủ tục điều chỉnh kế hoạch, luật hiện đã cho phân cấp nhiều cho các bộ, ngành, địa phương phải triển khai rà soát ngay có thể điều chỉnh phù hợp.
Dự án nào chậm giải ngân có thể điều chỉnh sang các dự án giải ngân tốt để sử dụng hết tổng vốn trong kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Giải pháp cuối cùng là tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đầu tư công nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Tháo điểm nghẽn thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Trước tiến độ giải ngân của cả nước còn chậm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 104/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm…
Theo chuyên gia, cần gỡ nút thắt thể chế để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời lưu ý công tác giám sát để tạo cuộc đua tranh giữa các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn như tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, dự án đi qua nhiều địa phương thì giao một địa phương làm đầu mối, mạnh mẽ phân quyền… Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Kinh tế Việt Nam) PGS TS Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh về tốc độ giải ngân cho dự án đường dây 500 kV mạch 3. “Chỉ 6 tháng đã tuyên bố hoàn thành dự án, đây là điều thần kỳ với Việt Nam. Ấn tượng nữa là trường hợp triển khai dự án sân bay Long Thành, tốc độ cũng rất đáng kể” – ông Thiên nhấn mạnh.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân, thời gian qua hàng loạt giải pháp “thúc” tiến độ đã được các bộ, ngành và địa phương ban hành… Ngoài việc sát sao tuân thủ những quy định chung, các địa phương này còn có những cách làm riêng, quyết liệt, phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao cho công tác giải ngân vốn.
Hết tháng 9/2024, tỉnh Nam Định giải ngân được khoảng trên 5.663,1 tỷ đồng, đạt 121,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 60,8% tổng kế hoạch vốn. UBND tỉnh Nam Định đã chủ động trình HĐND tỉnh kế hoạch dự kiến đầu tư công năm 2024, nhờ đó các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng…) đã được thực hiện sớm.
Thời gian qua, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công của TP Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III/2024 của toàn TP về giá trị tuyệt đối đứng thứ hai cả nước. Bước vào giai đoạn cuối năm, các đơn vị, địa phương của thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho nền kinh tế Thủ đô phát triển.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, các sở, ngành để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện ngay đối với phần diện tích có đủ điều kiện, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố. Tăng cường nhân lực, vật lực nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chủ động xây dựng, tổ chức giải pháp thi công phù hợp, điều chỉnh tiến độ của các dự án để bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt.
Từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn tiềm ẩn. Do đó, để giải ngân hết nguồn vốn khi kết thúc năm, các địa phương vẫn đang quyết liệt đôn đốc tiến độ giải ngân các công trình, dự án để góp phần đưa tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt trên 95% như kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Đối với cơ chế chính sách trong lĩnh vực này, những vướng mắc vượt thẩm quyền đã được Chính phủ trình Quốc hội trong xây dựng một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị sửa 2 luật liên quan là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong dự thảo một luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Như vậy, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế, chính sách, thể chế đã và đang được tháo gỡ. (Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ KH&ĐT Dương Bá Đức)
Để giải ngân hết số vốn với khoảng thời gian còn rất ngắn, theo tôi rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt và trao trách nhiệm cho mỗi cấp, mỗi bộ, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ về giải ngân. Bên cạnh đó, cũng cần phải có thái độ nghiêm khắc để tăng tính trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương lên. Đây cũng chính là sức ép buộc cán bộ thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. (PGS TS Trần Đình Thiên)
#box1732422061825{background-color:#94e4fe}
Theo kinhtedothi.vn