UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng cuối năm năm 2025.
Theo Kế hoạch, nhằm hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm 169.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 75%.
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP ≥ 8% trong năm 2025. Xây dựng thị trường lao động hiện đại, hiệu quả, thúc đẩy phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, gắn kết thị trường lao động trong – ngoài nước.

Sáu giải pháp thực hiện gồm:
Tăng cường thông tin tuyên truyền: Phổ biến chính sách việc làm, đào tạo nghề. Cung cấp thông tin tuyển dụng, tìm việc qua cổng thông tin điện tử, các phiên giao dịch, truyền thông…;
Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng chính sách đặc thù cho người nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính. Triển khai các nghị quyết liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo;
Nâng cấp và vận hành hiệu quả Cổng thông tin việc làm Thành phố:
Ứng dụng chuyển đổi số, AI trong việc vận hành và khai thác dữ liệu tại Cổng thông tin việc làm Thành phố. Xây dựng hệ thống dữ liệu mở, cập nhật về cung – cầu lao động tại từng xã, phường. Ưu tiên việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp hành chính;
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo “luồng xanh” thu hút đầu tư: Áp dụng cơ chế “luồng xanh” để hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao;
Nâng cao hiệu quả vay vốn giải quyết việc làm: Phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội, ứng dụng công nghệ số, kết nối qua ứng dụng iHaNoi. Đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi; tiếp tục thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động như đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm: Tổ chức các phiên giao dịch thường xuyên, chuyên đề, online và lưu động. Tăng cường xuất khẩu lao động đi kèm quản lý và bảo vệ quyền lợi lao động.
Giao Sở Nội vụ – cơ quan thường trực, hướng dẫn xã, phường thực hiện, phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm; UBND 126 xã, phường: Lập kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí. Hỗ trợ, tuyên truyền, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động; Trung tâm DVVL Hà Nội, các sở ngành, ngân hàng CSXH: Báo cáo định kỳ, tổ chức sàn giao dịch vệ tinh, theo dõi hiệu quả triển khai…
Theo Congly.vn