Theo báo cáo, tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 (từ ngày 27/4/2024 – 1/5/2024), xảy ra liên tiếp 8 vụ đuối nước, khiến 9 người tử vong. Trong các vụ đuối nước thương tâm trên, các nạn nhân đều trong độ tuổi thanh, thiếu niên, để lại hậu quả hết sức đau lòng. Đặc biệt, vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra ngày 29/4/2024 trên địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội đã khiến 2 em học sinh tử vong cùng lúc.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể 2 học sinh đuối nước tại quận Long Biên vừa qua. Ảnh: CACC |
Những vụ việc đáng tiếc
Theo đó, vào trưa 29/4/2024, một nhóm 4 em học sinh lớp 11 hẹn nhau đi chơi. Khoảng 15h40 cùng ngày, nhóm học sinh trên rủ nhau ra khu vực bãi sông Hồng, đoạn mố cầu Vĩnh Tuy chơi và tắm sông. Trong lúc tắm, 2 học sinh bị nước cuốn trôi mất tích là em P.M.Đ, SN 2007, trú tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ và N.M.V, SN 2007, trú tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, học sinh lớp 11, Trường THPT Phúc Lợi. Nhận được tin báo về vụ đuối nước trên, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên sông – Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP Hà Nội, CA quận Long Biên, lực lượng quân đội cùng người dân tổ chức tìm kiếm và đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân dưới sông và đưa lên bờ.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2023, một nam sinh lớp 9 tại quận Hà Đông, Hà Nội bị đuối nước, tử vong tại bể bơi của trường trong giờ học bơi. Điều đáng nói, nạn nhân biết bơi và trong đội tuyển dự thi bơi. Sau vụ việc đau lòng này, CA quận Hà Đông đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng, SN 1999 là giáo viên môn bơi lội của trường về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
CATP Hà Nội khuyến cáo trước tình trạng nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn TP và cả nước thời gian gần đây, cho thấy, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tăng cường giải pháp bảo vệ các lứa tuổi học sinh, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Các địa phương, gia đình cần quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian các em không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là tai nạn đuối nước. Tổ chức vận động các hộ gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước… có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn…
CA huyện Đông Anh phối hợp với cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh |
Tăng cường công tác tuyên truyền
Thực hiện các kế hoạch của UBND TP Hà Nội và CATP Hà Nội, CA các đơn vị trên địa bàn TP đã và đang tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục tại địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật và huấn luyện kỹ năng PCCC và CNCH, phòng chống tai nạn đuối nước.
Ngày 13/5/2024, CA huyện Đông Anh phối hợp với UBND xã Nguyên Khê tổ chức tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu; PCCC, an toàn giao thông và điểm mới của Luật Căn cước cho học sinh và giáo viên Trường THCS Nguyên Khê. Tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên của Đoàn thanh niên – CA huyện Đông Anh đã tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về những nguyên nhân của tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi bị tai nạn đuối nước; kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ… Học sinh cũng được giới thiệu, hiểu biết thêm về quy định của Luật Giao thông đường bộ; 10 điểm mới của Luật Căn cước…
Các em học sinh đã được thực hành sử dụng thiết bị bảo hộ an toàn khi bơi như áo phao, phao bơi, can…; kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, cách thức cứu hộ người bị đuối nước bằng những vật dụng gần gũi với đời sống thường ngày như: dây, gậy, sào, can, áo phao…
Trước đó, vào sáng 11/5/2024, CA quận Tây Hồ phối hợp Phòng cảnh sát PCCC và CNCH CATP Hà Nội tổ chức tuyên truyền huấn luyện kỹ năng PCCC và CNCH, phòng chống đuối nước cho 300 người là giáo viên và học sinh tại Trường THCS An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn một số biện pháp phòng cháy tại trường học, cách xử lý, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy nổ; hướng dẫn thực hành sử dụng một số trang thiết bị PCCC tại chỗ. Đồng thời, hướng dẫn các giải pháp nguyên nhân, cách xử lý, biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước, nghiêm cấm các học sinh ra tắm tại các sông, ao, hồ nguy hiểm…
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi thông báo khẩn về nguy cơ đuối nước cho các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của 30 quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường học trực thuộc trên địa bàn.
Đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường học tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và quán triệt học sinh thực hiện nghiêm túc công tác an ninh, an toàn, phòng chống đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích. Từ nay tới cuối năm học 2023-2024, các nhà trường có trách nhiệm duy trì nghiêm túc nền nếp dạy và học; tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để quản lý con em mình; thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo tới học sinh về các nguy cơ có thể gây mất an toàn khi tham gia các hoạt động tại cộng đồng, khi di chuyển trên đường đi học.
Đại úy Nguyễn Tùng Anh – Bí thư Đoàn thanh niên CA huyện Đông Anh cho biết, từ đầu năm đến nay, Đoàn thanh niên CA huyện đã phối hợp với các địa phương để tổ chức tuyên truyền cho hơn 30.000 lượt học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện về phòng chống tai nạn thương tích, tệ nạn học đường, tệ nạn ma túy; PCCC. Từ nay đến cuối tháng 5/2024, Đoàn thanh niên CA huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền cho hơn 10 trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện. |
$(document).ready(function(){
var child = $(‘#__MB_MASTERCMS_EL_3’).children();
var childLength = child.size();
var half = Math.round(childLength/2);
child.slice(0,half).wrapAll(‘
‘);
child.slice(half).wrapAll(‘
‘);
$(‘.hna-PC_InRead’).insertAfter($(‘#divfirst’));
})
Theo phapluatxahoi.kinhtedothi.vn