Đường 1/5 đã hình thành từ lâu, gắn bó sâu sắc với đời sống của người dân. Trên sổ hộ khẩu người dân và một số giấy tờ pháp lý có từ trước thời điểm có quyết định về việc đổi tên, đặt tên đường của UBND tỉnh Hải Dương cũng ghi là “Đường 1/5”. Do đó, chính quyền địa phương cần xem xét đến nguyện vọng của người dân về việc giữ nguyên tên “Đường 1/5”.
Báo Công lý đã đăng tải bài viết phản ánh việc người dân khu dân cư Thái Học 2, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương hết sức bức xúc vì Đường 1/5 bị “đổi tên” thành… ngõ. Trong khi đó, con đường này đã có lịch sử hình thành và gắn bó lâu dài với đời sống của người dân nơi đây. Một số giấy tờ pháp lý, sổ hộ khẩu của người dân còn lưu giữ đều mang tên Đường 1/5. Ví dụ như: sổ hộ khẩu số 2702221xxx cấp ngày 1/2/2012 của hộ gia đình bà H. ghi rõ: số nhà…, đường 1/5, Khu dân cư Thái Học 2, phường Sao Đỏ, TX Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Người dân khu dân cư Thái Học 2 cho rằng, nguyên nhân sự việc xuất phát từ việc chính quyền địa phương đã để cho một hộ dân ở khu vực đầu Đường 1/5 đoạn tiếp giáp với phố Trần Bình Trọng lấn chiếm chiều ngang của đường. Điều này dẫn đến việc khi đoàn khảo sát về kiểm tra hiện trạng thì con đường này không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 13/2014/QĐ – UBND ngày 5/6/2014 của UBND tỉnh Hải Dương về ban hành quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Liên quan đến việc này, bà Trần Thị Hồng Vân – Trưởng phòng Văn hóa, thể thao TP Chí Linh cho biết, việc đổi tên, đặt tên đường thực hiện theo Thông tư số 36/2006/TT – BVHTT ngày 20/03/2006 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng và Quyết định số 13/2014/QĐ – UBND ngày 5/6/2014 của UBND tỉnh Hải Dương về ban hành quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo bà Vân, “trên thực tế thì có một cái biển ghi là Đường 1/5”. Thế nhưng, tìm hiểu lịch sử thì UBND phường Sao Đỏ, không biết biển tên này có từ bao giờ. Từ năm 2006 đến nay, trong tất cả quyết định của tỉnh Hải Dương ban hành, không có quyết định nào ghi tên là Đường 1/5, cụm từ “đường” hay “phố 1/5” không hề tồn tại trên các văn bản quy định của nhà nước.
Khi được hỏi về việc vì sao trên sổ hộ khẩu và một số giấy tờ pháp lý của người dân lại ghi tên là Đường 1/5, bà Vân cho rằng, đây không phải lĩnh vực bà phụ trách nên bà không trả lời về việc này.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Quốc Hưng – Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại khoản 1 điều 17 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ngày 11/7/2005 quy định, UBND tỉnh có nhiệm vụ công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước UBND tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp tại kỳ họp thường kỳ hàng năm.
Ngoài ra, nội dung tại phần VI Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Bộ Văn hoá và Thông tin ngày 20/3/2006 hướng dẫn thực hiện môt số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91 cũng quy định về hình thức lấy ý kiến về dự kiến đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng như sau: công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến.
Tại Tờ trình số 46/Ttr-UBND của UBND phường Sao Đỏ đã nêu rõ: phố 1/5 có chiều dài tuyến phố 300m, chiều ngang 7m, nhưng khi đoàn kiểm tra đi khảo sát hiện trạng thì tuyến đường này dài 300m nhưng chiều ngang có những đoạn chỉ có 4m, có sự chênh lệch này là do một hộ dân lấn chiếm dẫn đến chiều ngang bị thu hẹp mà đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý hộ dân này. Căn cứ Quyết định số 13/2004/QĐ-UBND ngày 5/6/2014 của UBND tỉnh Hải Dương về ban hành quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương quy định về tiêu chí tiêu chuẩn phố, dựa vào kết quả khảo sát của đoàn kiểm tra nên chính quyền địa phương đã kết luận là tuyến phố nói trên không đủ tiêu chuẩn là “phố”.
Như vậy, tuyến phố 1/5 trên thực tế trước nay đã đủ tiêu chuẩn là “phố” theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương. Thế nhưng, do chính quyền địa phương không xử lý tình trạng lấn chiếm của một hộ dân nên dẫn đến tình trạng tuyến phố 1/5 không đạt tiêu chuẩn đề ra. Chính vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương cần phải xử lý tình trạng lấn chiếm của hộ dân nêu trên, tiến hành khảo sát, kiểm tra chất lượng tuyến phố sau khi đã giải phóng công trình lấn chiếm và lấy ý kiến người dân sinh sống tại tuyến phố về việc đổi tên.
Trong khi đó, tên “Đường 1/5” đã được ghi trong sổ hộ khẩu của người dân được cấp từ trước năm 2012 và người dân tại khu vực này đã sử dụng quen thuộc. Căn cứ vào Điều 5 Nghị định 91/2005/NĐ-CP quy định, không đổi tên đường, phố, công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử – văn hoá của dân tộc, của địa phương, và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Như vậy, tên “Đường 1/5” vừa mang ý nghĩa vừa quen thuộc, gắn bó với cộng đồng dân cư đang sinh sống, nên không thuộc trường hợp cần được đổi tên.
Theo Baove.congly.vn