Theo Đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận người lao động khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do chủ doanh nghiệp cố tình không đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Quy định rõ hơn về trợ cấp thất nghiệp cho người lao động
Về đóng bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 5 Điều 58, Đại biểu Võ Mạnh Sơn- Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa hợp lý, vì để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đôn đốc, thu, xử lý hành vi vi phạm việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
“Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, còn một bộ phận người lao động khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình không đóng, chậm đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, dẫn đến người lao động mất thu nhập”- Đại biểu Sơn nêu.
Vì vậy, theo đại biểu, người lao động mong muốn có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp đúng như quy định, đồng thời phát triển việc làm mới.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét sửa đổi quy định về chế độ đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và nguyên tắc bình đẳng có đóng, có hưởng.
Không buộc người lao động phải đóng đủ tiền mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Tương tự, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét lại quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đại biểu, tại khoản 6, Điều 3, dự thảo Luật quy định: “Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc, nhằm hỗ trợ người lao động để duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
Trong khi đó, tại khoản 5, Điều 58 quy định: “Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.
Đại biểu cho rằng, “việc quy định yêu cầu người lao động phải bỏ ra trước một khoản tiền để đóng đủ số tiền người sử dụng lao động chưa đóng mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là không hợp lý”. Đại biểu đề nghị trích từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất và bảo hiểm xã hội cần có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu cho biết, quy định không cho phép người lao động bị sa thải, buộc thôi việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng quy định này theo hướng cho phép đối tượng này được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối việc làm do lý do bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.
Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần có quy định và cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến vấn đề người lao động đã bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.
Theo Congly.vn