Thứ Ba, Tháng 5 20, 2025

Học Bác từ những điều giản dị

Giữa nhịp sống hiện đại, nhiều bạn trẻ vẫn chọn vun bồi lý tưởng, sống trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Họ là những gương mặt thanh niên mang trong mình tinh thần dấn thân, truyền cảm hứng bằng chính câu chuyện sống đẹp, sống có ích và luôn hướng về những giá trị bền vững.

Tháng Năm, Đà Nẵng rực lên sắc nắng cũng là lúc những câu chuyện về Người lại sống dậy trong ký ức bao thế hệ. Không phải bằng những khẩu hiệu, biểu ngữ hay những buổi mít tinh rầm rộ, mà bằng hành trình rất đời thường- giản dị, âm thầm, bền bỉ của lớp lớp thanh niên hôm nay đang học và làm theo Bác từ những việc nhỏ bé nhất.

Giản dị mà sâu sắc, khiêm nhường nhưng đầy thuyết phục. Không dừng lại ở việc tôn vinh những gương mặt tiêu biểu, lễ tuyên dương 35 “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của Thành Đoàn Đà Nẵng đã trở thành không gian truyền cảm hứng mạnh mẽ về giá trị sống tử tế và trách nhiệm công dân trong lớp trẻ hôm nay.

19-5-tuyenduong.jpg
Tuổi trẻ Đà Nẵng học Bác từ những điều giản dị

Trong danh sách được xướng tên, có những gương mặt mà câu chuyện cuộc đời họ giống như lát cắt sinh động cho thấy “học Bác” không hề cao xa. Như Trần Văn Thọ- Bí thư Đoàn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, người được người dân nơi đây gọi thân thương là “cán bộ Đoàn của dân”.

Gần 15 năm gắn bó với cơ sở, Trần Văn Thọ không chọn cách phát biểu hùng hồn về lý tưởng, mà chọn bắt đầu từ những điều cụ thể: vận động người dân hiến đất mở đường, cùng thanh niên sửa nhà cho người yếu thế, lập thư viện sách cho trẻ em nông thôn, hay gói ghém từng suất học bổng để học sinh nghèo không rời bỏ lớp học…

Không hề to tát nhưng bền bỉ, tử tế và đầy trách nhiệm. Bởi theo Thọ, học Bác không phải là việc diễn ra trong một ngày lễ mà là cách sống mỗi ngày: sống gần dân, hiểu dân và làm điều có ích cho dân.

19-5-tho.jpg
Trần Văn Thọ vinh dự được nhận Giải thưởng “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.

Nếu Hòa Phước là nơi học Bác bằng hành động sát dân thì ở giữa trung tâm thành phố, Trương Thị Ngọc Phương- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Đoàn lại học Bác bằng cách làm mới tư duy, làm mới cách truyền cảm hứng.

Trương Thị Ngọc Phương không hô hào khẩu hiệu, chị chọn gieo hạt lý tưởng vào trái tim người trẻ qua những việc rất cụ thể: là khi tổ chức một buổi triển lãm số về biển đảo, là lúc cùng đoàn viên thắp sáng nghĩa trang trong đêm mưa, hay đơn giản là buổi trò chuyện với mẹ liệt sĩ về những điều con trai bà đã hy sinh mà không kịp nói. Những cảm xúc ấy chân thật, run rẩy và chạm sâu vào lòng người, chính là điều khiến các hoạt động của Phương không bị trôi tuột trong nhịp sống vội vã. Học Bác, với chị, không phải là học để nói mà là học để lắng nghe, để thấu hiểu và để biết sẻ chia.

19-5-phuong.jpeg
Trương Thị Ngọc Phương- người trẻ mang tình yêu biển đảo và lịch sử dân tộc đến gần công chúng bằng triển lãm và những thước phim tư liệu sống động.

Từ thực tiễn công tác Đoàn đến môi trường học thuật, những người trẻ vẫn đang lặng lẽ học Bác theo cách riêng của mình. Tại Trường Đại học Duy Tân, Nguyễn Ngọc Hân- sinh viên ngành Xây dựng là minh chứng cho một thế hệ trí thức trẻ học Bác bằng sự nghiêm cẩn trong học tập và cống hiến bằng trái tim trong sáng.

Vượt qua nhiều bạn bè để đạt giải Olympic Cơ học toàn quốc, đạt giải thưởng 26-3 cấp thành phố, nhưng điều khiến Hân được nhớ đến lại không nằm ở bảng thành tích mà ở hành trình bền bỉ tổ chức những hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ sinh viên yếu thế, phát triển kỹ năng sống cho bạn học.

Với Hân, học Bác không cần những lời lẽ đao to búa lớn, chỉ cần một tinh thần cầu tiến, biết sống tử tế và không ngừng học hỏi. “Mỗi ngày đều học được điều gì đó mới mẻ, mỗi việc làm đều có giá trị nếu mình thực tâm làm vì người khác”, Hân chia sẻ.

19-5-uyen-1.jpg

Nổi bật trong những gương mặt tiêu biểu năm nay còn có Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên- Tiến sĩ trẻ tuổi nhất Việt Nam trong lĩnh vực Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, hiện là Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng. Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên là hình ảnh hiếm hoi dung hòa trọn vẹn giữa trí tuệ học thuật, sự nhạy cảm của một nhà giáo và trái tim nhiệt huyết của một cán bộ Đoàn.

Trong vai trò giảng viên, Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên là chủ biên giáo trình chuyên ngành âm nhạc, tham gia hàng loạt hội thảo trong và ngoài nước, đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu giáo dục bằng cả lý luận và thực tiễn. Trong vai trò thủ lĩnh sinh viên, Uyên dẫn dắt hơn 170 hoạt động cấp trường mỗi năm, tổ chức hàng chục đợt tình nguyện với mô hình mới mẻ như “Đại học không giảng đường”, “Mang tri thức phục vụ cộng đồng”, “Thức dậy cùng biển”…

Không cần gắn chữ “học Bác” vào mọi khẩu hiệu, Uyên chọn học Người bằng chính sự tận tâm trong giảng dạy, bằng những buổi lên lớp chất lượng, bằng việc xây dựng môi trường học đường nhân ái. Với chị, học Bác là sống có lý tưởng, nhưng lý tưởng ấy phải gắn chặt với hành động cụ thể, có ích và lan tỏa.

19-5-uyen.jpeg
Trong vai trò giảng viên, Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên là chủ biên giáo trình chuyên ngành âm nhạc, tham gia hàng loạt hội thảo trong và ngoài nước, đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu giáo dục bằng cả lý luận và thực tiễn.

Dù xuất phát điểm khác nhau, ở vị trí khác nhau, tất cả những thanh niên ấy đều gặp nhau ở một điểm chung đó là họ không xem việc học Bác là một phong trào, mà xem đó là bản lĩnh sống, là hệ giá trị dẫn đường. Họ không chờ được gắn danh hiệu mới bắt đầu cống hiến. Họ không cần đến lời khen mới thấy việc mình làm là có ý nghĩa. Bởi với họ, học Bác chính là cách sống có ích cho cộng đồng, sống trách nhiệm với Tổ quốc, sống tử tế với đồng bào, dù là việc nhỏ nhất.

35 thanh niên được tuyên dương trong lễ kỷ niệm lần này không đại diện cho số đông, nhưng họ đại diện cho một tinh thần- tinh thần của những người trẻ không ngừng tự soi lại mình trong gương đạo đức Hồ Chí Minh để sống đẹp hơn, làm tốt hơn, cống hiến nhiều hơn. Trong thời đại mà mọi thứ đều chuyển động nhanh thì chính những giá trị tưởng như cũ kỹ lại trở nên bền vững hơn bao giờ hết, đó là lòng trung thực, sự kiên trì, khiêm tốn và tinh thần phụng sự.

Họ đang nhắc cho chúng ta nhớ rằng, học Bác không bao giờ là chuyện của riêng một thời đại. Nó là kim chỉ nam cho mọi thế hệ, ở mọi thời điểm miễn là còn người trẻ, còn lý tưởng, còn khát vọng sống tử tế và sống có ích. Vì thế, những điều lớn lao đôi khi lại bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Như cách Bác từng sống và như cách những người trẻ ở Đà Nẵng hôm nay đang tiếp tục sống, bình dị mà đầy lan tỏa.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Sau khi bị tạm hoãn xuất cảnh, hoa hậu Thùy Tiên tiếp tục bị cơ quan Công an khởi tố để phục vụ công tác điều tra liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img