Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024
19 C
Hanoi
Thứ năm, 28/11/2024, 03:50

Hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều gợi mở để phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam.

Ngày 27/11, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra Hội thảo chuyên đề Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Golf Việt Nam – Nha Trang 2024 với chủ đề “Trăm năm Golf Việt” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Công ty Ngôi sao Giải trí Toàn Cầu thực hiện.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, Việt Nam được đánh giá là điểm đến chơi golf lý tưởng trong khu vực châu Á nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu nhiệt đới thuận lợi để đầu tư phát triển sân golf và loại hình du lịch golf. Hiện Việt Nam có khoảng 100 sân golf 18 hố đang hoạt động, trong đó có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Theo ông Ngọc Anh, với định hướng phát triển du lịch bền vững hướng tới các thị trường tiềm năng, chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) xác định du lịch golf là một loại sản phẩm chuyên biệt quan trọng, cần được quan tâm đầu tư phát triển mạnh thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “thiên đường golf của châu Á”.

Ông Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân
Ông Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân

“Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do lượng sân golf còn ít, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chưa cao trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn nhiều hạn chế, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE, caravan; chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp, các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf một cách bài bản. Đây cũng là những vấn đề chúng ta có thể trao đổi hôm nay”- ông Ngọc Anh gợi mở.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan sống động. Tại đây có 3 sân golf quy mô, có thể nói là nổi tiếng trên khu vực và thế giới, góp phần hình thành các khu dịch vụ du lịch thể thao, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, trong đó có du lịch golf.

Theo ông Tuấn Thanh, để thu hút khách chơi golf đến Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, vai trò của các công ty lữ hành rất quan trọng bởi những đơn vị này chính là khâu kết nối với hàng không, sân golf, các điểm đến, nhà hàng, khách sạn… Bên cạnh đó, để du lịch golf phát triển, cần tăng cường ứng dụng công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu CLB golf.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân
Ông Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trung Nhân

Nói về “phát triển golfer trẻ, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý điều hành và trọng tài golf”- ông Bạch Cường Khang – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam đưa ra một số kiến nghị như cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, nhận thức cộng đồng và chất lượng đào tạo.

Ông Cường Khang cũng đưa ra giải pháp thực tiễn là phát triển chương trình giáo dục golf trong trường học như các trường học có thể đưa golf vào chương trình thể dục, đặc biệt là ở các trường học cấp 1, cấp 2. Cần có sự hợp tác giữa các tổ chức thể thao và ngành giáo dục để tạo ra những sân chơi thể thao bổ ích cho học sinh.

Ở phạm trù phát triển phong trào golf địa phương, bà Nguyễn Vân Anh – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Golf TP Hồ Chí Minh đã đưa ra thế mạnh của xu hướng này. Đó là các CLB dễ dàng tập hợp cộng đồng, dễ huy động nguồn thu tạo ra nhiều giải đấu đa dạng về cách thức tổ chức vì mỗi CLB đều có một chất riêng, ai hợp ở đâu thì sinh hoạt ở đó.

Theo bà Vân Anh, các giải đấu phong trào trở thành hoạt động quen thuộc, tạo sự kết nối và mang lại niềm vui cho những người chơi golf. Tuy nhiên, phong trào golf khu vực phía Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai nếu được gia tăng về số lượng sân golf, các chính sách ưu đãi dành cho hội viên và các giải đấu của Hội.

Tại Hội thảo, các diễn giả cũng đã có nhiều tham luận như Tổng quan ngành golf Việt trong 10 năm qua và tầm nhìn 10 năm tiếp theo; Việt Nam cần bao nhiêu sân golf và chiến lược phát triển xanh bền vững; Du lịch golf Việt Nam – Tiềm năng và Thách thức; Truyền thông và sản phẩm golf Made in Việt Nam…

Theo kinhtedothi.vn

Mới nhất

Hỗ trợ kịp thời người lao động bị doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận người lao động khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do chủ doanh nghiệp cố tình không đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Tin liên quan