Sau một năm làm việc khẩn trương, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết nhiều vướng mắc thủ tục hành chính… loạt chỉ số kinh tế của tỉnh Quảng Nam dần phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Chiều 10/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì buổi họp báo để thông tin tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025.
Theo báo cáo, Quảng Nam từ mức “tăng trưởng âm” khoảng 8,37% vào năm 2023 đã nhanh chóng vượt lên ấn tượng trong năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2024 ước tính 7,1%; sản xuất công nghiệp tăng 13,5%; quy mô nền kinh tế đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, du lịch dịch vụ luôn tăng cao, tỷ trọng nông nghiệp có xu hướng giảm. GRDP bình quân đầu người năm 2024 hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh cũng đạt kết quả tích cực. Cụ thể, Quảng Nam đạt 27.594 nghìn tỷ đồng, đạt 116,92% dự toán và tăng 10,09% so với cùng kỳ; chi ngân sách năm 2024 là 20,69 nghìn tỷ đồng, đạt 96% dự toán; tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 8,02 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; vượt 6% so với kế hoạch. Riêng doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2024 ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 21.620 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024, Quảng Nam còn khoảng 20.272 hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ 4,56%, giảm 1,01% so năm 2023, vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo là 1.479 hộ.
Nhìn lại chặng đường năm 2024, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định đã có sự “hồi sinh” mạnh mẽ về phát triển kinh tế. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn như hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn; thực hiện các khắc phục của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; thiếu hụt cán bộ lãnh đạo chủ chốt; doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức; tình trạng thiếu hụt, tăng giá của vật liệu xây dựng; bức tranh kinh tế tăng trưởng âm; cán bộ né tránh, sợ sai…
“Vượt qua những khó khăn, Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn cụ thể về quy mô phát triển của nền kinh tế, lượng khách du lịch không ngừng tăng, thu ngân sách ấn tượng, cải thiện đời sống xã hội, nâng cao mức sống người dân, công tác giáo dục không ngừng cải thiện…” – ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng cho rằng nền kinh tế dù đã có nhiều điểm sáng nhưng cần tiếp tục tháo gỡ, giải quyết một số vướng mắc, tồn tại trong thời gian qua. Chẳng hạn ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp hay hợp tác xã kiểu mới. Hoàn thiện những bất cập, tồn đọng trong lĩnh vực đầu tư công, quy hoạch, xây dựng đô thị, tài nguyên môi trường. Nhiều dự án, công trình đầu tư công cần sớm đẩy nhanh đền bù, GPMB và khẩn trương thi công để đưa vào khai thác hiệu quả…
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí còn dành nhiều sự quan tâm đối với công tác sắp xếp bộ máy, hoàn thiện hạ tầng giao thông, đầu tư công, quản lý các cơ sở y tế hay tình hình sạt lở nghiêm trọng thời gian qua… Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành lần lượt chia sẻ và trả lời các vấn đề liên quan.
Theo kinhtedothi.vn