Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi cả nước đang hừng hực khí thế, tự tin, khát vọng chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, cũng là năm cuối về đích kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026 – 2030.
Tạo đột phá với các động lực tăng trưởng mới
Mặc dù Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5 – 7%, phấn đấu đạt 7 – 7,5%, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt và mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, thậm chí cao hơn, đó là tăng trưởng 2 con số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nếu cứ tăng trưởng bình bình 6,5 – 7% trong những năm tới sẽ không đạt được hai mục tiêu 100 năm (mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước). Muốn đưa đất nước tiến lên vị thế mới, thành nước thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng hai con số gần như là bắt buộc. Bởi, nhiều bài học từ các quốc gia cho thấy họ đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình vì tăng trưởng đều đều.
Thủ tướng chỉ đạo, ưu tiên cao nhất thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức hai con số; tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới…
Đến thời điểm này, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 có thể đạt trên 7% sẽ tạo đà và là nền tảng vững chắc cho năm 2025. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu, với tốc độ tăng trưởng 7%, quy mô kinh tế năm 2024 ước 465 tỷ USD.
Sức khỏe tổng thể nền kinh tế đã hồi phục mạnh mẽ thể hiện qua thu ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng số thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã lên tới hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đạt 116% dự toán (tính tới 18/12). Ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.
Điểm nhấn đáng chú ý khác của năm 2024 là những công trình hạ tầng trọng điểm lần lượt về đích với tinh thần thi công “vượt nắng thắng mưa”, điển hình như dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) – Phố Nối (Hưng Yên).
Và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, không chỉ là con số đạt được rất tích cực, mà chất lượng dòng vốn cũng được nâng cao. Chúng ta thu hút được nhiều dự án trong các lĩnh vực tiên phong, như bán dẫn, AI… Sự xuất hiện và các cam kết hợp tác của Tập đoàn Nvidia mới đây là một minh chứng.
Chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động du lịch, dịch vụ, nhất là trong những tháng cuối năm, khi mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá mạnh. Xuất nhập khẩu cũng là một điểm sáng, khi tổng kim ngạch đã vượt ngưỡng 800 tỷ USD, riêng xuất khẩu vượt 400 tỷ USD…
Tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế
Vậy tăng trưởng 2 con số dựa vào đâu? Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng.
Đó là dự kiến tái khởi động dự án điện hạt nhân, chuẩn bị xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược, trong đó có Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, rồi chuẩn bị cho Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như thành lập các khu thương mại tự do tại một số địa phương… sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển mới cho các địa phương, cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Nhất trí với định hướng của Thủ tướng là phải làm mới, tăng chất, tăng động lực cho ba trụ cột tăng trưởng của quốc gia gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. PGS.TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị, làm mới động lực tiêu dùng đó là phải khoan sức dân, sửa ngay thuế thu nhập cá nhân vì tiêu dùng đóng góp khoảng 50% tăng trưởng GDP của quốc gia.
Bên cạnh đó, phải thu hút thêm khách du lịch quốc tế để “xuất khẩu tại chỗ” – thêm sức cho trụ cột tăng trưởng tiêu dùng. Làm mới động lực đầu tư, phải mở rộng chính sách tài khóa ở trong tầm kiểm soát để có thêm nguồn vốn cho đầu tư. Vốn đầu tư Nhà nước sẽ dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn nước ngoài, mở thêm DN.
Theo các tổ chức quốc tế, việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp củng cố các động lực xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân. Cùng với đó, cần thúc đẩy các động lực mới như trí tuệ nhân tạo, số hóa, kinh tế xanh. Đây sẽ là những lĩnh vực tạo ra dư địa cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, phải sửa Luật Quản lý vốn Nhà nước để khuyến khích khai thác hiệu quả khối tài sản hàng triệu tỷ đồng mà các DN Nhà nước đang nắm giữ; là gỡ vướng, khởi động lại các dự án “đắp chiếu”, nhất là các dự án bất động sản; là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các đầu tàu kinh tế của quốc gia, cho 10 địa phương có GDP lớn nhất nước trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; là tinh gọn bộ máy để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Theo các chuyên gia, trong nhiều năm tới, chúng ta phải tạo ra những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh… Và đặc biệt, muốn tăng trưởng 2 con số, phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; chống lãng phí; tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Đảng.
Chính phủ quyết tâm tăng trưởng 2 con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn như Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, và Luật Đấu thầu… đã được thông qua. Các tư tưởng lớn, đột phá trong các luật này, với tinh thần “kiến tạo phát triển”, sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực lâu nay bị ách tắc, qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư – kinh doanh và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Phải xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, từ đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách… để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển được đội ngũ doanh nhân Việt Nam và đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ… phải gắn với cải cách thể chế.
Đồng thời, cần huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DN Nhà nước, phát triển mạnh DN tư nhân, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược… và đặc biệt là thực hiện quyết liệt và hiệu quả chủ trương tinh gọn bộ máy… Đây chính là các bước chuẩn bị chủ động cho một “Kỷ nguyên vươn mình”.
Một sự kiện đang diễn ra rất quyết liệt trên phạm vi cả nước hiện nay là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhiều ý kiến nhận định, yếu tố quyết định thành công không chỉ là vấn đề về tinh gọn, đó chỉ là điều kiện cần, tổ chức gọn nhẹ lại. Nhưng điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại cán bộ đúng người, đúng việc, đúng khả năng. Đồng thời, cần chú trọng việc thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Với quan điểm coi thể chế là “đột phá của đột phá”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và giải quyết các vướng mắc pháp lý. Đặc biệt, cần xóa bỏ cơ chế xin cho, khuyến khích địa phương tự quyết và chịu trách nhiệm… Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới”.
Muốn đất nước vươn mình, tăng trưởng kinh tế cao lên và nền kinh tế độc lập, tự chủ thì khởi động những công trình thế kỷ như đường sắt tốc độ cao, tái khởi động điện hạt nhân… Phát triển DN, thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Đến cuối năm 2024, ước tính cả nước mới có 1 triệu DN. Diện mạo của DN Việt Nam trong kỷ nguyên mới phải là các chuỗi kinh tế do các tập đoàn kinh tế trong nước làm chủ, có năng lực cạnh tranh ở thị trường thế giới. Lịch sử cho thấy không một quốc gia nào trở nên hùng mạnh nếu không có những trụ cột để cạnh tranh.
PGS.TS Trần Đình Thiên
Theo kinhtedothi.vn