Những năm qua, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn thử thách bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng xung đột ở một số nước. Vì vậy, việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kết quả thực hiện chương trình.
Thực tế, một số tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM, xã NTM nâng cao được Trung ương quy định còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện. Số xã chưa đạt chuẩn NTM của tỉnh đa số tập trung ở khu vực miền núi, có vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn, các tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn chủ yếu thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội…
Đặc biệt, việc xây dựng NTM ở khu vực miền núi xứ Thanh gặp rất nhiều khó khăn, rào cản; là địa phương có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo. Với xuất phát điểm thấp, hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực trong Nhân dân hạn hẹp nên quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới các huyện miền núi đều gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân 11 huyện miền núi đang vào cuộc mạnh mẽ để đưa các xã khu vực miền núi hoàn thành chỉ tiêu NTM trong giai đoạn 2021-2025.
Mô hình trồng cây Cam Lào ở vùng biên giới Quang Chiểu (Mường Lát) đã thay đổi cuộc sống của đồng bào người Dao nơi đây. |
Theo nhận định của lãnh đạo huyện Mường Lát, địa phương khó khăn nhất xứ Thanh, xây dựng NTM ở khu vực miền núi đã khó, thì đối với huyện Mường Lát lại bộn bề khó khăn. Do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ một số tập quán, phong tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Ngoài ra, việc thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa sẽ gặp khó do nguồn thu ngân sách trên địa bàn thấp, cuộc sống người dân còn nghèo nên huy động nội lực hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình khác phân bổ chưa đủ để thực hiện các tiêu chí theo lộ trình đề ra.
Mặc dù vậy, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp các địa phương. Theo đó, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương đã thay đổi, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ đói nghèo, tình hình chính trị – xã hội ổn định.
Tính đến ngày 9/10/2024, toàn tỉnh đã có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 369 xã và 727 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã và 525 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 531 sản phẩm OCOP được công nhận. Diện mạo nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có sự đổi mới mạnh mẽ, trong đó cái được lớn nhất là sự tin cậy của nhân dân, điều kiện, chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được nâng lên rõ rệt.
Theo ông Cao Văn Cường, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách từng tiêu chí và hướng dẫn thực hiện, cùng với xây dựng kế hoạch, việc làm cụ thể.
Theo đó, các cá nhân được phân công phụ trách thường xuyên giao ban để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để chủ trương, kế hoạch đi vào thực hiện. Trong đó, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu chính quyền, đoàn thể để vận động nhân dân tự giác thực hiện, từ đó tạo phong trào sâu rộng trong cộng đồng dân cư và toàn dân.
Phóng viên thăm Mô hình trồng cây Cam Lào ở vùng biên giới Quang Chiểu (Mường Lát). |
Thanh Hóa đã làm tốt công tác huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đồng thời ban hành các cơ chế khuyến khích, khen thưởng đối với các đơn vị đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo luôn quán triệt quan điểm không chủ quan, nóng vội, vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, vừa gắn chặt với những đặc điểm, tình cảm của người dân tại địa phương, vận dụng tốt các quy định của cấp trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí.
Theo baovephapluat.vn