Chủ Nhật, Tháng 7 20, 2025

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình: Hãy sống xứng đáng với sự hi sinh của cha anh

Thế hệ hôm nay, những người được sống trong hòa bình, không thể quên ơn của những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập Tổ quốc và các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cho ra đời những người con ưu tú hi sinh vì dân tộc.

img_2597.jpeg
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình

Hòa trong “suối nguồn” tri ân của những ngày tháng Bảy lịch sử, khi cả nước hướng về kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2025), PV Báo Công lý đã gặp gỡ, thăm hỏi và lắng nghe những chia sẻ rất xúc động của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình (SN 1941, ngụ tại phường Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Mẹ sinh ra và lớn lên tại TPHCM. Đến năm 18 tuổi, mẹ kết hôn với cụ ông Nguyễn Văn Thảnh (hiện đã mất) và theo ông về Cần Thơ sinh sống và lập nghiệp.

Mẹ Lê Thị Bình có tất cả 9 người con; trong đó, có hai người con đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Tâm tình với PV, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình nhớ lại, thời điểm đó, Nguyễn Văn Thanh là người con trai cả và học giỏi nên được gia đình, thầy cô hết mực yêu thương và hi vọng sẽ lên tiếp bậc đại học. Năm 18 tuổi khi con đường học tập đang rộng mở, người con trai cả của mẹ đã gấp trang sách dở dang, tình nguyện tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Tổ quốc.

Ban đầu gia đình ngăn cản, vì muốn anh theo con đường học tập. Nhưng với sự quyết tâm của bản thân mình, không chịu ngồi nhìn cảnh người dân bị tàn sát, từng tấc đất quê hương ở biên giới bị xâm lăng, anh Nguyễn Văn Thanh tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Dù thương con nhưng mẹ cũng hiểu được rằng, nước nhà đang cần những người như con của mẹ. Sau bao ngày đắn đo trăn trở, mẹ đồng ý cho con mình lên đường nhập ngũ; rời xa gia đình, tham gia chiến trường biên giới Việt Nam- Campuchia.

“Nhìn con đi mà lòng đau như cắt, để con đi trong lửa đạn, biết trước lành ít dữ nhiều, là một người mẹ, tôi không nỡ lòng. Nhưng lúc đó, tội ác của quân Khmer đỏ tràn lan dữ tợn, giết chết bao người dân vô tội khi chúng tấn công qua khu vực biên giới tại An Giang;

Tôi cũng nghĩ con mình mang thừa hưởng sự gan dạ của ông nội và các chú, vì họ cũng đã từng dũng cảm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lòng căm thù giặc khiến tôi trở nên mạnh mẽ và đồng ý cho con nhập ngũ”, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình chia sẻ.

Theo lời kể của mẹ, anh Nguyễn Văn Thanh tham gia vào Tiểu đoàn Tây Đô; là một trong những chiến sĩ gan dạ, lại thêm vốn sẵn phần thông minh, anh đã lập được nhiều chiến công cho đơn vị. Không dừng lại ở đó, anh Nguyễn Văn Thanh còn động viên người em thứ năm của mình là Nguyễn Văn Thi tham gia cách mạng.

img_2607.jpeg
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi (lần lượt từ trái qua)

Trong những lần về phép hiếm hoi, những câu chuyện bom đạn, chiến tranh, cận kề với tính mạng được anh Nguyễn Văn Thanh kể lại đã hun đúc trong anh Nguyễn Văn Thi trong lòng căm thù giặc và anh Nguyễn Văn Thi đã xin mẹ, theo anh trai tham gia kháng chiến. Một lần nữa, mẹ đồng ý cho anh Nguyễn Văn Thi nhập ngũ.

Hai người con của mẹ suốt bao năm ở đơn vị, đã anh dũng chiến đấu, ra sức học tập luôn được cấp trên yêu thương, đồng chí đồng đội quý mến.

Anh Nguyễn Văn Thanh được đơn vị cử đi học tiếng Khmer tại Hà Nội, còn anh Nguyễn Văn Thi học tại TPHCM với hi vọng, sau chuyến học tập quay về đơn vị, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Không phụ lòng cấp trên và đồng đội tin tưởng, cả hai anh lần lượt hoàn thành khóa học loại ưu. Trở về đơn vị, tiếp tục cầm súng chiến đấu.

img_2601.jpeg
Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh

Rồi lần lượt, hai người con của Mẹ Lê Thị Bình hy sinh trong vòng chưa đầy 2 năm. Anh Nguyễn Văn Thanh hi sinh vào năm 1988 trong lần đi thị sát bị địch ném bom. Hai năm sau, anh Nguyễn Văn Thi anh dũng hi sinh tại Chi Lăng – An Giang.

img_2602.jpeg
Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Nguyễn Văn Thi

Hai lần nhận tin các con hi sinh, hai lần cầm giấy báo tử trên tay, là hai lần Mẹ Lê Thị Bình trào dâng nước mắt đến nghẹn lòng.

“Thương con, nhớ con nhưng biết làm sao, vì bọn giặc nó tàn sát dân mình. Chúng nó đến An Giang giết dân mình man rợ lắm, không ngăn chặn, bảo vệ từng tất đất cho quê hương thì chúng cũng sẽ tràn đến đây rồi lại chiến tranh, lại kháng chiến trường kì nữa. Thương con lắm nhưng Tổ quốc lâm nguy, rất cần các con ra trận để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng”, Mẹ Lê Thị Bình xúc động chia sẻ.

img_2593.jpeg
Mẹ Lê Thị Bình kể về hai lần nhận tin con mất

Năm 2014, Mẹ Lê Thị Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Trải qua bao khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cuộc sống của mẹ ổn định. Những người còn khác của mẹ cũng trưởng thành, có việc làm ổn định. Các con, các cháu của mẹ luôn gìn giữ truyền thống gia đình. Sống và làm việc có ích cho xã hội.

img_2595.jpeg
Cô Nguyễn Thị Trang là người con đang sinh sống chung và phụng dưỡng mẹ tại nhà riêng

Cô Nguyễn Thị Trang – người con gái đang nuôi dưỡng mẹ hiện tại chia sẻ: “Sau khi hai anh lần lượt qua đời, 9 năm sau ba cũng mất, mẹ một mình nuôi dạy các con nên người. Mẹ luôn căn dặn các con, các cháu phải sống có đạo đức, trung thực, phát huy truyền thống cách mạng của đình; sống xứng đáng với sự hi sinh của cha anh”.

Ngày nay, các con, các cháu của Mẹ Lê Thị Bình luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Sự hy sinh thầm mà lặng cao cả của Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bình nói riêng và các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước nói chung mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về ý chí cách mạng kiên trung, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Các Mẹ đã hiến dâng những người thân yêu, ruột thịt của mình cho nền độc lập dân tộc. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các Mẹ đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Trục xuất 12 người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) vừa tổ chức trục xuất và bàn giao 12 công dân Trung Quốc cho phía Công an Trung Quốc tại Vạch phân quản Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Đây là các đối tượng đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img