Kinhtedothi- Mưa lạnh kéo dài, nhiều nông dân ở vùng trồng hoa lay ơn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi đang đối diện với nỗi lo thua lỗ bởi hàng loạt cây bị khô lá, chết rễ.
Đợt mưa, lạnh kéo dài hàng tháng trời khiến 3 sào trồng lay ơn đang kỳ sinh trưởng mạnh của gia đình bà Trần Thị Kim Cúc (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Số hoa trồng trong vườn nhà ít bị hư hại do nằm ở vùng đất cao, còn khoảng 2 sào ngoài đồng bị ngập nước nên chết rất nhiều. Có đám cây chết tới hơn 70%”- bà Cúc cho hay.
Theo bà Cúc, để phục vụ cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ tháng 10 âm lịch, bà bắt đầu xuống giống trồng hoa. Thế nhưng sau đó thời tiết liên tục có mưa, đất ngậm nước lâu ngày khiến lay ơn bị thối rễ, vàng lá, chậm phát triển.
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình bà Cúc, ông Lê Văn Tèo (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà) cũng đang rầu rĩ vì lượng lay ơn hư hại khá lớn.
“Giống lay ơn đỏ tươi tốn chi phí đầu tư lớn nhất nhưng là giống hư hại nặng nhất. Bắt đầu từ việc lá khô héo, rồi gốc rễ bị thối. Số cây này phải nhổ bỏ, nếu không sẽ lây lan, gây hại cho những cây xung quanh rồi lan ra cả khoảnh ruộng. Những cây còn sống phải tăng cường chăm bón để vớt vát lại phần nào”- ông Tèo chia sẻ.
Năm nay là năm thứ 5 ông Tèo trồng lay ơn phục vụ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cũng là năm thứ 3 liên tiếp giống hoa này ở xã Nghĩa Hà bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi diễn biến thất thường của thời tiết.
“Trồng hoa lay ơn dễ đau tim lắm. Nắng nhiều thì lo hoa nở sớm mà mưa nhiều thì hoa hư hại, nở muộn. Mấy năm qua, có năm hoa nở sớm, hoa nở muộn, năm thì hư hại. Như năm ngoái, chỉ đủ bù chi phí, còn năm nay tình hình này có vẻ còn khó khăn hơn, mất khoảng hơn 60% hoa rồi, chỉ mong không thua lỗ”- ông Tèo nói.
Theo chia sẻ của các hộ nông dân ở xã Nghĩa Hà, từ khoảng chừng 20 năm trước, vài hộ dân trong xã mang giống hoa lay ơn Đà Lạt về trồng thử ở xứ nóng miền Trung trên bãi bồi ven sông. Từ kết quả thành công ban đầu, nhiều người tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, không ngừng mở rộng diện tích trồng loài hoa này bán vào mỗi dịp Tết.
Ở xã Nghĩa Hà, lay ơn được trồng nhiều ở các thôn như Hổ Tiếu, Bình Đông với nhiều giống, màu sắc khác nhau, phổ biến như đỏ mập, vàng hòe, vàng lưỡi hổ, đỏ tươi….
Hoa được xuống giống hoa vào rằm tháng 10 âm lịch, hơn hai tháng sau thì thu hoạch bán thị trường dịp Tết. Đây là giống hoa có chi phí đầu tư, chăm bón khá lớn nhưng nếu thuận lợi sẽ cho thu nhập gấp cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Chi phí đầu tư của các giống lay ơn cũng khác nhau, riêng giống đỏ mới cao nhất, từ 25-30 triệu đồng/sào, giống hoa lay ơn vàng chỉ khoảng một nửa so với giống đỏ, chừng 10-15 triệu đồng/sào. Trong vụ hoa năm nay, đây lại là giống hư hại nhiều nhất nên bà con nông dân vô cùng lo lắng, luôn thấp thỏm trông chừng thời tiết.
Toàn xã Nghĩa Hà có 40ha trồng hoa, trong đó khoảng 20ha trồng hoa lay ơn. Do thời tiết năm nay mưa lạnh kéo dài khiến lay ơn chậm phát triển, khoảng 40% diện tích cây bị thối rễ, chết; số cây còn sống cũng khá yếu và nhiều khả năng không đạt chất lượng.
“Chúng tôi tuyên truyền, vận động nông dân phải nhổ bỏ phần hư hại và tích cực bón phân, chăm sóc để khôi phục lại bộ rễ đối với những phần lay ơn có thể cứu vớt được”- ông Hải cho hay.
Xã Nghĩa Hà nằm bên bờ Nam sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi được mệnh danh là thủ phủ hoa lay ơn, tập trung ở các thôn Hổ Tiếu, Bình Đông. Mỗi dịp Tết, hàng chục chiếc xe máy, ô tô tải nhộn nhịp trên đường quê để chở hoa bán trong và ngoài tỉnh.
Thế nhưng, diễn biến thất thường của thời tiết khiến vài năm gần đây, nguồn lợi từ giống hoa này sụt giảm mạnh, nhiều nông dân còn bị thua lỗ vì đầu tư quá lớn vào lay ơn.
Theo kinhtedothi.vn