Đây là thông tin tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước trong khu vực ASEAN, diễn ra chiều 4/11 tại Hà Nội, do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) tổ chức.
Bà Bungon Ritthiphakdee, Cố vấn cấp cao Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) cho biết, SEATCA mới có báo cáo với tiêu đề “Vạch trần Ảnh hưởng: Cách ngành công nghiệp thuốc lá lợi dụng các khoản tài trợ để định hình chính sách tại ASEAN”.
Báo cáo tiết lộ những cách thức lừa dối mà các công ty thuốc lá sử dụng trong các sáng kiến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) để tác động lên các chính sách y tế công cộng trên khắp các nước ở khu vực Đông Nam Á.
SEATCA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các nhà vận động y tế công cộng và cộng đồng cảnh giác và đối phó với những chiến lược mà các công ty thuốc lá sử dụng để tạo ra ảnh hưởng.
Trong những năm gần đây, các hoạt động CSR của các công ty thuốc lá đã trở nên phổ biến ở khắp các nước trong khu vực ASEAN, với các khoản quyên góp và tài trợ được thực hiện dưới dạng đóng góp từ thiện cho lĩnh vực y tế, giáo dục và phát triển cộng đồng.
Phân tích của SEATCA cho thấy các hoạt động này vượt ra ngoài mục đích từ thiện mà còn đóng vai trò như những kênh ảnh hưởng để thúc đẩy môi trường chính sách theo hướng có lợi cho lợi ích của các tập đoàn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quản trị và lợi ích cộng đồng.
Ngành công nghiệp thuốc lá đã tài trợ trực tiếp cho nhiều tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ và các đơn vị khác. Do đó, nếu không có lệnh cấm toàn diện thì ngành công nghiệp thuốc lá vẫn có thể gián tiếp gây ảnh hưởng của mình thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội.
Theo đại diện Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á cho biết, 4 quốc gia ASEAN (Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan) đã cấm các hoạt động được mô tả là “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” của ngành công nghiệp thuốc lá, đây là một hình thức tài trợ thuốc lá và gián tiếp ảnh hưởng, can thiệp tới các chính sách công.
Do đó, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá, cần ban hành lệnh cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá toàn diện.
Trên cơ sở đó, SEATCA kêu gọi các chính phủ thực hiện một lệnh cấm toàn diện đối với việc tài trợ cho các hoạt động xã hội (CSR) của ngành công nghiệp thuốc lá theo Công ước Khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC).
Tại ASEAN, 6 quốc gia gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Philippines, Singapore và Thái Lan, đã ban hành các chính sách quốc gia bảo vệ bộ máy hành chính khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.
SEATCA cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng và cộng đồng cần tỉnh táo, cảnh giác và phản đối các nỗ lực tẩy trắng nhằm cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp thuốc lá.
Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam thấp nhất khu vực
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế chia sẻ, Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/11/ 2004 và thông qua Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) vào ngày 18/6/2012.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới trong khi đó các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng, Thuốc lá hút Shisha) đang làm gia tăng trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.
TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 10.000 ca/năm nhưng tỷ lệ tử vong do thuốc lá tăng gấp nhiều lần. Ước tính, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc thụ động gây ra 18.800 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam.
Bà Tan Yen Lian, đại diện Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) nêu thực trạng, trong ASEAN, Thái Lan có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá cao nhất (81,3%), tiếp theo là Singapore (70,7%) và Brunei (62%). Việt Nam nằm trong số ba quốc gia ASEAN có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp nhất (dưới 35%) trong khu vực.
Giá thuốc lá vẫn còn rất rẻ, đặc biệt là tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (dưới 1 USD mỗi gói). Do đó, bà Tan Yen Lian khẳn định các quốc gia trên cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và mức tăng thu nhập.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo, bằng cách điều chỉnh các chiến lược kiểm soát thuốc lá của mình phù hợp với Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá, thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và áp dụng thuế thuốc lá mạnh hơn, Việt Nam có thể giảm đáng kể số lượng người trẻ nghiện nicotine. Những biện pháp này rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và lợi ích của các thế hệ tương lai.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung một khoản thuế cụ thể vào mức thuế hiện tại. Điều này sẽ làm cho giá thuốc lá tăng lên để có thể hạn chế người sử dụng thuốc lá và khuyến khích mọi người bỏ thuốc.
Ngoài việc áp dụng thuế thuốc lá và cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Việt Nam cũng cần bảo vệ bộ máy và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.
Do đó, việc áp dụng thuế thuốc lá giúp các quốc gia đạt được ba lợi ích lớn như: giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tạo ra nguồn thu thuế cao hơn để phân bổ cho các mục tiêu ưu tiên phát triển khác của Chính phủ, và tạo nguồn thu bổ sung để tài trợ cho các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe.
Theo Congly.vn