Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam mới chỉ phạt người sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, còn trách nhiệm nhà mạng, mạng xã hội chưa rõ. Tới đây sẽ tính toán quy định xử lý nhà mạng.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng.
Sẽ phải tăng mức phạt các hành vi
Đại biểu Hoàng Ngọc Định- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết giải pháp để hạn chế tình trạng lợi dụng không gian mạng để bóc phốt, nói xấu, công kích lẫn nhau.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua chúng ta đã quy định xử phạt hành vi thông tin sai sự thật, mức phạt với Việt Nam là cao nhưng so với các nước là thấp, từ 5 đến 10 triệu đồng. “Sắp tới sẽ phải tăng mức phạt các hành vi này”.
Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam mới chỉ phạt người sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, còn trách nhiệm nhà mạng, mạng xã hội chưa rõ.
“Các quốc gia phạt rất nặng, thậm chí phạt tới cả triệu USD. Họ quy định cả trách nhiệm nhà mạng và cả mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội có thể phải đi tù theo pháp luật Singapore”, Bộ trưởng dẫn chứng và cho biết tới đây sẽ tính toán quy định xử lý nhà mạng.
Nhấn mạnh luật pháp phải mang tính răn đe, xử lý nghiêm minh, Bộ trưởng cho biết: Sắp tới Bộ Chính trị kết luận giao Bộ Công an làm luật về Phòng chống tin giả, câu chuyện về thể chế khi đó sẽ giải quyết được vấn nạn trên.
Gần 1.000 mạng xã hội Việt Nam đã được cấp phép
Chất vấn, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nhận định, nếu không có mạng sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam thì sẽ không có sức mạnh đàm phán với Google; Facebook;… Đây là chiến lược lớn, rất đúng, để đảm bảo không phụ thuộc; đặc biệt là đảm bảo chủ quyền an ninh mạng quốc gia.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết chiến lược này khi nào trở thành hiện thực; để mạng xã hội Việt Nam phát triển?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại quan điểm ông từng nói khi giữ chức quyền Bộ trưởng TT&TT rằng, “sức mạnh đàm phán dựa trên thực lực, không có thực lực thì khó đàm phán”. Theo ông, nếu có lực lượng tương xứng trong tay thì ảnh hưởng trong đàm phán với mạng xã hội sẽ tốt hơn.
“Chúng ta đã cấp phép gần 1.000 mạng xã hội Việt Nam. Tại sao nhiều thế? Vì mạng xã hội Việt Nam đi vào thị trường ngách, nhưng mạng xã hội lớn chỉ khoảng 20”, Bộ trưởng Hùng thông tin.
Theo Bộ trưởng, số người dùng mạng xã hội Việt Nam cộng lại tương đương và cao hơn các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, TikTok, đó là chưa kể Việt Nam còn phát triển 38 nền tảng số quốc gia khác để phục vụ các hoạt động khác, nếu tính cả số này thì số người dùng còn lớn hơn nữa.
Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn bền vững, muốn chuyển đổi số, bắt buộc ta phải làm chủ công nghệ. Nhận định người Việt Nam giỏi công nghệ thông tin, Bộ trưởng “tin tưởng người Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm chủ các ứng dụng và làm chủ công nghệ”.
Theo Congly.vn