Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024
18 C
Hanoi
Chủ Nhật, 15/12/2024, 15:27

Người dân cần nâng cao cảnh giác với tội phạm giả danh cán bộ để lừa đảo

Năm 2024 tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được kiềm chế, giảm mạnh, song vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng.

Liên tiếp các cuộc gọi giả danh cơ quan

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra nhiều vụ việc với các hình thức như giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo tình cảm; các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo bằng hình thức làm giả hóa đơn chuyển tiền thành công của các ngân hàng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng… Đơn cử, ngày 15/5/2024, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sông Lô đã kịp thời giúp bà Vũ Thị L, sinh năm 1956, trú tại xã Phương Khoan tránh được một vụ lừa đảo qua mạng xã hội với số tiền lên đến 200 triệu đồng.

Theo anh Dương Thành. D, phường Tích Sơn, Vĩnh Yên, trên các trang mạng xã hội liên tục rao bán đồ gia dụng từ bộ nồi inox 3 chiếc chỉ có giá 35 nghìn đồng đến xe máy điện có giá 119 nghìn đồng/chiếc. Với giá thành rẻ như vậy đã kích thích tôi đặt mua hàng. Khi đặt lệnh mua hàng xong, đối tượng yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó đưa tài khoản mạng xã hội của tôi vào nhóm Telegram và yêu cầu mua thêm 1 sản phẩm nữa để có thể nhận được nhiều ưu đãi hơn và khẳng định sẽ hoàn tiền cho người mua; càng mua nhiều sẽ được hoàn tiền nhiều. Nhận biết đây là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, ngay lập tức tôi rút khỏi nhóm, hủy toàn bộ liên hệ qua mạng với đối tượng lừa đảo. Dù số tiền bị mất không lớn, nhưng đây sẽ là bài học cho bản thân và gia đình tôi.

 Công an huyện Sông Lô giúp bà Vũ Thị L, xã Phương Khoan tránh được vụ lừa đảo qua mạng với số tiền lên đến 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Yên (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc) cũng cho biết: “Tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ công an đề nghị cài đặt định danh mức độ 2 do lần trước cài đặt bị lỗi hệ thống nên tôi tin là cơ quan công an đề nghị cài đặt lại định danh điện tử. Tuy nhiên, các đối tượng lại nói nếu tôi bận thì cán bộ công an có thể thực hiện giúp, với điều kiện người dân truy cập theo đường link lạ”. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị Yên đã trình báo với cán bộ thôn dân cư và được biết: Việc thực hiện cài đặt định danh mức độ 2 sẽ được thực hiện tại trụ sở công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất.

Ông Đỗ Văn Du ở xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên cho biết, thời gian qua, một số người dân trên địa bàn xã và ngay chính bản thân ông cũng đã từng nhận được những cuộc điện thoại của các đối tượng lừa đảo. Có trường hợp đối tượng xưng là Công an dọa nạt người dân vướng vào các vi phạm pháp luật như buôn bán ma túy, gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn… làm nhiều người hoang mang, lo sợ. Một số trường hợp khác lại bối rối vì những tin nhắn vay tiền từ bạn bè qua mạng xã hội zalo, facebook… Vì vậy, khi được lực lượng Công an trực tiếp tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các biện pháp phòng ngừa, người dân rất phấn khởi.

Theo Công an huyện Lập Thạch, trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Đinh Xuân Bình, sinh năm 1992, trú tại thôn Yên Bình, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo tài liệu của cơ quan Công an, từ đầu năm 2024 đến nay, Đinh Xuân Bình đã tạo lập tài khoản Facebook Nhà Vườn Thanh Bình và tài khoản zalo Nhà Vườn Mộc Hương, sau đó đăng bài giao bán cây cảnh, xe đạp, loa đài. Khi có người mua hàng, Bình yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc, sau đó đối tượng quay video đóng gói hàng chuyển cho người mua yêu cầu nói là hàng đã được gửi đi và yêu cầu người mua hàng chuyển thêm tiền cọc thanh toán hết số tiền hàng. Nếu người mua hàng chuyển thêm tiền đặt cọc thì Bình lại tiếp tục giả danh người vận chuyển liên hệ thông báo người mua hàng chuẩn bị đến để yêu cầu người mua chuyển tiền cọc cho đến khi bị hại nghi ngờ thì đối tượng chặn liên lạc. Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2024 đến nay, Đinh Xuân Bình đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 13 bị hại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lập Thạch đang tiếp tục điều tra củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Trịnh Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, Công an tỉnh đã thực hiện đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Từ đầu năm 2024 đến nay, công an cấp trong tỉnh đã phát hiện, điều tra và khởi tố 11 vụ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đến quần chúng nhân dân. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện 107 vụ việc (tăng 14 vụ việc so với năm 2023) liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Người dân nâng cao cảnh giác

Mặc dù lực lượng chức năng đã liên tiếp cảnh báo, nhưng tội phạm lừa đảo lợi dụng công nghệ cao giả danh cán bộ công an hay cơ quan tư pháp tiếp tục diễn biến phức tạp. Nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao đa phần là những người già và thiếu hiểu biết pháp luật. Thủ đoạn của chúng là sử dụng các số điện thoại tương tự số công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát hay tòa án nhân dân để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra…Đồng thời yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền “chạy án”, hay truy cập đường link lạ, rồi đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với luận điệu để xác minh, điều tra…

Gần đây nhất, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc đã phát đi cảnh báo về một số đối tượng đang lợi dụng danh nghĩa lãnh đạo và nhân viên của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến các số thuê bao của chủ phương tiện để thông báo: Ô tô chuẩn bị hết hạn kiểm định và phải gia hạn đăng kiểm; Trung tâm đăng kiểm đổi tem kiểm định mới, đề nghị người dân cập nhật mẫu tem đăng kiểm; thông tin đã khai tại trung tâm đăng kiểm bị sai lệch, cần cung cấp thông tin cá nhân để cập nhật.  Sau đó các đối tượng hướng dẫn người dân chỉ cần nộp từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng để được tự động gia hạn thời hạn đăng kiểm mới. Tuy nhiên, khi chuyển tiền vào tài khoản (do số tiền yêu cầu chuyển khá ít nên đa số chủ phương tiện mất cảnh giác và làm theo hướng dẫn) thì đối tượng lừa đảo có thể sử dụng các chiêu tiếp theo như: Gửi mã đường link hoặc mã QR và yêu cầu làm theo để hoàn thành việc gia hạn, từ đó có thể chiếm đoạt thông tin tài khoản khác như: Ngân hàng, zalo, điện thoại…; Gợi ý chủ xe mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc trong khi bảo hiểm vẫn còn hạn… Trước vấn đề trên, căn cứ các quy định của pháp luật về hoạt động kiểm định xe cơ giới, Sở GTVT Vĩnh Phúc khẳng định, đến thời điểm hiện tại, không còn phương tiện thuộc đối tượng được phép gia hạn thời gian kiểm định; mọi thủ tục hành chính đều được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và mọi khoản thu phí, lệ phí đều có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Các hành vi nêu trên đều là các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật cần phải được xử lý theo quy định.

 Công an xã Tử Du (Lập Thạch) cảnh báo người dân về các thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Dương Hà

Trước đó, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã gửi văn bản gửi đến cơ quan công an đề nghị phối hợp xác minh dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước; đồng thời khẳng định Sở Y tế Vĩnh Phúc không ban hành thông báo, quyết định về kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Tam Dương; các nội dung trong thông báo, quyết định là giả mạo, không chính xác. Qua xác minh, Công an tỉnh Vĩnh Phúc xác định tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (Tiệm bánh Nhật Linh, huyện Tam Dương; Nhà hàng Thiên Cầm, huyện Tam Đảo), các đối tượng đã dùng điện thoại di động gọi điện, tự xưng là cán bộ thuộc Sở Y tế thông báo việc kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, sau đó đề nghị kết nối zalo để gửi các văn bản giả mạo của Sở Y tế gồm thông báo kiểm tra, quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Đối tượng hứa giúp đỡ hoàn thiện thủ tục, giấy tờ về an toàn thực phẩm, đồng thời đề nghị sử dụng hai điện thoại song song để truy cập vào đường link lạ, hướng dẫn cài đặt app giả mạo của Sở Y tế để thu thập trái phép thông tin về tài khoản, mật khẩu, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng trên điện thoại của nạn nhân. Có trường hợp, đối tượng gửi thông báo kiểm tra giả mạo, sau đó đề nghị cơ sở kinh doanh “gửi quà” vì đã giúp đỡ báo trước thông tin và hứa sẽ tạo điều kiện khi đoàn đến kiểm tra.

Đây là thủ đoạn mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở và doanh nghiệp, tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện, Công an tỉnh đang tiếp tục huy động lực lượng điều tra, xử lý vụ việc.

Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử. Tuyệt đối không tin vào những tin nhắn không rõ nguồn gốc để bấm vào những đường link lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tránh trường hợp bị mất quyền kiểm soát trên thiết bị điện thoại thông minh để chúng chiếm đoạt tài khoản, rút toàn bộ tiền của nạn nhân có trong tài khoản ngân hàng. Thường xuyên cập nhật thông tin tội phạm, cảnh báo của cơ quan chức năng để phòng ngừa, tuyên truyền tới bạn bè, người thân và cộng đồng.

“Người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, tư pháp. Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, cư trú và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội”, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu giả danh, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất…

Để nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, mỗi người cần thực hiện khẩu hiệu “5 không – 3 cần” (Không tin ngay; không tò mò; không thêm bớt; không vội chia sẻ, đăng tải; không bị kích động và xúi giục. Cần bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân; cần cảnh giác; cần kiểm chứng thông tin); “4 không – 2 giác” (Không sợ, không tham, không chuyển khoản cho người lạ, không làm. Cảnh giác, tố giác).

Theo baovephapluat.vn

Mới nhất

Thiếu sự giám sát từ gia đình

Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở, không giao xe cho con điều khiển tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc.

Tin liên quan