Nhiều người dân thôn Trung Thành 1, xã Thành Long, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang sinh sống dưới chân mỏ phản ánh về tình trạng mất an toàn, bởi mỗi khi có mưa lớn là đất đá trôi ồ ạt xuống theo các khe suối đe dọa nhà cửa, vườn tược và đồng ruộng của họ.
Theo ghi nhận PV, mỏ núi Vầu thôn Trung Thành 1, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, sau khi Công ty Liên doanh Khoáng nghiệp Hằng Nguyên (nay là Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang) từng khai thác quặng sắt hết thời hạn đã rút đi. Tuy nhiên, công ty này đã để lại nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến môi trường và an toàn cho cư dân sinh sống gần khu vực này.
Mỏ Núi Vầu sau quá trình khai thác quặng sắt đã trở thành một khu vực đất đai hoang hóa, không còn khả năng canh tác và phát triển. Trước đây, nơi này là những mảnh đất rừng màu mỡ, nhưng hiện tại, vạt đất rộng lớn có diện tích nhiều ha nằm trong điểm mỏ khai thác quặng sắt đã trở nên khô cằn, không còn phù hợp để trồng trọt hay chăn nuôi phát triển.
Trước đó, có ý kiến cho rằng, đơn vị khai thác đã chủ động trong việc bảo vệ môi trường đất đai sau khai khoáng, ngay khi hết hạn khai thác doanh nghiệp đã báo cáo đánh giá tác động môi trường và lập đề án đóng cửa mỏ đồng thời thực hiện nghĩa vụ trồng trên 30 ha rừng trên khu vực khai thác.
Tuy nhiên, vào những ngày giữa tháng 10/2024. PV Báo Công lý đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực trạng. Ngoài khu đất được san gạt bằng phẳng để xây dựng văn phòng điều hành, còn lại là những hủm hố lồi lõm, cùng những vách ta luy dựng đứng cao tới vài chục mét nham nhở vết gầu máy xúc, vết tích của việc khai thác khoáng sản.
Nhiều ha đất đang bị bỏ hoang hóa vì các vỉa quặng lộ thiên đen xì đang đục đẽo dở nằm phơi mình giữa thiên nhiên vì đã bị bóc hết nhiều lớp đất mặt (đất mầu).
Những thực vật tồn tại chỉ là cỏ rác và lau lách không có giá trị. Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng, phía trên khu vực khai thác này là rừng phòng hộ, từ thời xa xưa đã nghiêm cấm người dân không được khai thác sử dụng.
Khi được hỏi về việc có hay không công tác hoàn thổ phục hồi môi trường của đơn vị khai thác quặng sắt tại điểm mỏ núi Vầu, ông Hà Minh Tấn – Trưởng thôn Trung Thành 1 khẳng định: Từ ngày khai thác xong là họ bỏ bê dang dở như vậy, chứ không có phục hồi hay hoàn thổ gì cả. Thời gian gần đây, thời tiết mưa nhiều đã gây sạt lở đất đai trôi trượt vùi lấp các khe trũng và hoa màu của người dân là có thật.
Mới đây, ngay sau trận mưa bão, ông Âu Văn Lạnh – một người dân địa phương đi rừng đã phát hiện những vết nứt lớn chạy dài hàng trăm mét trên núi, nên đã tức tốc báo cáo lại với tôi về sự vụ nguy hiểm này, Trưởng thôn Trung Thành 1 nói thêm.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn là nguy cơ sạt lở đất từ các khu vực đã bị khai thác. Sau khi công ty rút đi, không có biện pháp cải tạo hay gia cố lại khu vực mỏ, điều này dẫn đến các dấu hiệu sạt lở rõ rệt, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Hiện tại, hơn chục hộ gia đình sinh sống dưới chân đồi núi Vầu đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Các gia đình này lo ngại rằng, đất đá từ mỏ có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của họ.
Chị Trần Thị Hậu, trú tại thôn Trung Thành 1 chia sẻ: Nhà tôi thuộc diện nguy hiểm nhất trong số 10 gia đình ở dưới chân núi Vầu, cũng lo lắng lắm nhưng giờ chẳng biết làm thế nào?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Lý – Chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết: Khu vực núi Vầu là do Công ty Liên danh khoáng nghiệp Hằng Nguyên khai thác quặng sắt, sau khi hết hạn họ đã hoàn thổ và trồng cây vào đó rồi. Mới đây xã cũng nắm được thông tin trên núi có vết nứt, tôi đã cho anh em đi kiểm tra thì đúng là như vậy, nhưng chưa đến mức độ nguy hiểm vì vết nứt cũng nhỏ thôi và ngắn chứ không tới hàng trăm mét như người ta nói đâu…
Trước tình hình trên, người dân mong muốn các cấp chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có.)
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc trên.
Theo Congly.vn