Thứ Sáu, Tháng 5 9, 2025

Người giúp đồng bào Xơ Đăng thoát nghèo trên đỉnh Ngọc Linh

Trong những năm gần đây, sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý hiếm đã trở thành niềm tự hào của người dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Và trong hành trình bảo tồn, phát triển loại cây quý này, ông A Sỹ (một người dân của xã Tê Xăng) đã trở thành người tiên phong trong việc tìm kiếm, trồng và giúp đỡ hàng trăm hộ dân nơi đây vươn lên từ sâm Ngọc Linh.

Chúng tôi đến thăm ông A Sỹ vào một buổi sáng sớm, khi ông chuẩn bị lên rừng để hướng dẫn dân trồng sâm. Dù đã thành công với mô hình trồng sâm và thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, ông A Sỹ vẫn miệt mài với công việc của mình, tận tâm truyền đạt kinh nghiệm cho bà con địa phương.

Ông A Sỹ kể lại câu chuyện hơn 24 năm trước, khi cây sâm Ngọc Linh còn chưa được biết đến như một tài sản quý. Thời đó, người dân nơi đây không nhận thức được giá trị của sâm, họ vào rừng khai thác tràn lan, mang về bán rẻ hoặc đổi lấy nhu yếu phẩm.

1000053441.jpg
Ông A Sỹ (phải), người đã giúp bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh quý hiếm, giúp người Xơ Đăng thoát nghèo.

Lo ngại giống sâm quý sẽ bị tuyệt chủng, ông A Sỹ cùng một số người dân khác đã lên kế hoạch bảo tồn sâm. Ông bắt đầu thu mua sâm của dân, mang gạo lên rừng ăn ngủ để tìm kiếm sâm tự nhiên, rồi mang về trồng và nhân giống. Mặc dù bị nhiều người can ngăn, cho rằng trồng sâm sẽ không thể thành công do không thể quản lý được, nhưng ông kiên trì, quyết tâm bảo tồn giống sâm Ngọc Linh quý giá cho tương lai.

Hành trình của ông A Sỹ không hề đơn giản. Ban đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Đường rừng hiểm trở, nguy cơ từ thú dữ, cộng với thiếu kinh nghiệm trồng sâm đã khiến công việc của ông thêm phần gian nan. Tuy nhiên, bằng lòng kiên trì và tình yêu với cây sâm, ông đã dành hơn 12 năm nghiên cứu và mày mò cách trồng, chăm sóc loại cây này trong môi trường tự nhiên. Với nỗ lực không ngừng, ông đã thành công trong việc xây dựng được vườn sâm Ngọc Linh quý giá.

Khi công việc trồng sâm của ông bắt đầu cho thấy những thành công, nhiều hộ dân trong vùng cũng tìm đến và mong muốn tham gia dự án trồng sâm. Nhằm giúp đỡ cộng đồng, ông A Sỹ không ngần ngại bỏ tiền túi trồng 50.000 cây thông để bảo vệ môi trường sống cho sâm.

1000053439.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Tu Mơ Rông, chỉ đạo người dân cần bảo tồn, phát huy giá trị của cây sâm Ngọc Linh.

Ông thành lập 13 tổ liên kết trồng sâm, với sự tham gia của gần 260 hộ dân đồng bào Xơ Đăng tại địa phương. Những người tham gia các tổ liên kết này được hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm, hỗ trợ giống cây miễn phí và thậm chí được trả lương trong quá trình làm việc.

Nhờ sự hỗ trợ của ông A Sỹ, hàng trăm hộ dân Xơ Đăng đã có cơ hội thay đổi cuộc sống nhờ cây sâm Ngọc Linh.

Anh A Hem (một người dân ở thôn Đăk Viên) chia sẻ, trước đây, gia đình anh chỉ trồng mì và lúa, thu nhập rất thấp. Khi nghe ông A Sỹ chia sẻ về trồng sâm, anh rất muốn thử nhưng không có điều kiện mua giống. May mắn là ông ấy đã giúp gia đình tham gia vào tổ liên kết trồng sâm và cung cấp giống. Giờ đây, vườn sâm của anh phát triển tốt, giúp gia đình thoát nghèo, mua được xe và xây nhà.

Không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân trồng sâm để thoát nghèo, ông A Sỹ còn có một tầm nhìn xa hơn cho tương lai. Ông cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng bào Xơ Đăng xây dựng mô hình du lịch cây sâm. Theo đó, những vườn sâm sẽ không chỉ là nơi sản xuất mà còn là điểm đến tham quan, trải nghiệm. Khách du lịch sẽ được tham gia vào quá trình thu hoạch, chăm sóc sâm và thưởng thức các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đồng thời người dân sẽ có thêm thu nhập từ việc phục vụ khách tham quan.

Sự nỗ lực của ông A Sỹ không chỉ được người dân Xơ Đăng ghi nhận, mà còn được chính quyền địa phương đánh giá cao.

1000052141.jpg
Sự nỗ lực của ông A Sỹ không chỉ được người dân Xơ Đăng ghi nhận, mà còn được chính quyền địa phương đánh giá cao.

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần giúp gần 2.000 hộ dân trên địa bàn xóa nghèo trong 5 năm qua. Để có được thành công đó, ông A Sỹ là người có công rất lớn trong việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh, giúp người dân thay đổi cách làm ăn, chuyển từ trồng lúa, mì sang trồng sâm giá trị cao.

Những đóng góp của ông A Sỹ đã giúp đồng bào Xơ Đăng bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên quý giá và mang lại cơ hội kinh tế bền vững cho cộng đồng. Vị “vua sâm” này không chỉ là người khai mở con đường phát triển, mà còn là tấm gương về lòng kiên trì, sự cống hiến vì cộng đồng của đồng bào nơi đây.

Theo Congly.vn

- Advertisement -spot_img
Mới nhất

Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp khẩn, tìm giải pháp giữ vững thị trường sầu riêng

Tính từ đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) họp bàn nhằm đưa ra các giải pháp giữ thị trường và nâng giá trị ngành hàng này.
- Advertisement -spot_img

Tin liên quan

- Advertisement -spot_img