Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam hiện nay đang diễn ra rất nhanh, nên vấn đề bảo đảm an toàn giao thông cho người cao tuổi trở nên cấp thiết. Nếu không được kiểm soát chặt, đây có thể trở thành “điểm mù” đáng lo ngại về an toàn giao thông trong tương lai.
Các quốc gia trên thế giới quản lý người lớn tuổi lái xe ra sao?
Nhiều quốc gia đều có quy định độ tuổi tối thiểu được phép lái xe, không giới hạn tuổi kết thúc và đều quản lý thông qua Giấy phép lái xe. Vậy các nước quản lý người lớn tuổi lái xe ra sao?
Tại Nhật Bản – quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với 1/5 tổng số dân ở độ tuổi từ 70 trở lên. Đây cũng là nước có tỷ lệ sở hữu xe cá nhân rất cao, với khoảng 80 triệu xe hơi lưu thông trên 126,3 triệu dân (2019).

Theo CBSNews, trong năm 2018, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế 75 tuổi trở lên tăng lên 14,8%, cao hơn nhiều so với mức 8,7% năm 2008. Đặc biệt số tài xế trên 75 tuổi gây tai nạn chết người nhiều hơn so với các lái xe trẻ, trung bình 8,2 vụ trên mỗi 100.000 người tham gia giao thông, gấp khoảng 2,4 lần so với những người ở độ tuổi 74 trở xuống ngồi ghế lái.
Về quản lý người cao tuổi lái xe, Nhật Bản quy định, tài xế trên 75 tuổi phải thực hiện một bài kiểm tra theo chu kỳ 3 năm/lần trước khi xin gia hạn giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, chính quyền đã yêu cầu dán các tem đề-can nhận dạng đặc biệt trên xe ôtô của người mới lái và tài xế cao tuổi. Những nhãn dán này giúp cảnh báo cho các tài xế khác cùng lưu thông trên đường.
Tại Mỹ, nơi đang sắp bị “làn sóng” già hóa dân số “tấn công”. Số lượng người lái xe từ 70 tuổi trở lên đã tăng 70% từ năm 1997 đến năm 2019. Đặc biệt, số liệu của Sở điều tra dân số Mỹ vào năm 2016 cho thấy có khoảng 1.000 đến 3.000 tài xế xe tải từ 85 tuổi trở lên. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, dân số từ 70 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng lên 53 triệu người vào năm 2030, đồng nghĩa gia tăng lái xe lớn tuổi, dẫn đến những lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với an toàn giao thông.
Nước này có quy định các lái xe cao tuổi có thời gian gia hạn giấy phép lái xe ngắn hơn người trẻ. VD: Tiểu bang Arizona có hạn giấy phép lái xe lên tới 12 năm, nhưng với người trên 65 tuổi chỉ được 5 năm; bang Connecticut có thời gian là 8 năm nhưng người trên 65 tuổi chỉ là 2 năm; một số bang khác cũng chỉ cấp giấy phép lái xe 2 năm cho người lớn tuổi là Hawaii (trên 72 tuổi), Illinois (81-86 tuổi), Iowa (trên 78 tuổi)…
Tại Hàn Quốc, theo thống kế số vụ tai nạn giao thông do người từ 65 tuổi trở lên gây ra ngày càng tăng. Khoảng 13,2% tổng số tài xế ở Hàn Quốc ở độ tuổi 65 trở lên vào năm 2024. Với tình trạng dân số già đi nhanh chóng ở quốc gia này, số lượng tài xế cao tuổi dự kiến sẽ tăng từ 4,74 triệu hiện tại lên 7,25 triệu vào năm 2030. Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc cho biết, các trường hợp tai nạn do người cao tuổi gây ra đã đạt mức cao kỷ lục là 39.614 vụ vào năm 2023, tăng 4.962 vụ so với năm 2022; chiếm 20% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông.
Quốc gia này cũng quy định từ 75 tuổi trở lên phải gia hạn giấy phép lái xe 3 năm một lần. Để được gia hạn, họ phải trải qua bài kiểm tra nhận thức và giáo dục an toàn giao thông. Người lái xe trên 65 tuổi cũng được khuyến khích tham gia giáo dục về an toàn giao thông.
Tại Trung Quốc, số lượng lái xe trên 60 tuổi của nước này trong năm 2020 là 14,24 triệu người. Được biết đây là một trong số các quốc gia hiếm hoi giới hạn độ tuổi lái xe là trên 70. Tuy nhiên, theo Sina, từ năm 2020, quy định này đã được gỡ bỏ, đồng nghĩa người già trên 70 tuổi vẫn có thể thi lấy bằng và lái ô tô. Tuy nhiên, những tài xế lớn tuổi trên 70 tuổi đã có giấy phép lái xe sẽ phải xét cấp lại mỗi năm một lần, chủ yếu là phải nộp giấy chứng nhận sức khỏe đủ khả năng lái xe cho cơ quan quản lý.
An toàn là trên hết
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất toàn cầu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và dự kiến sẽ chạm mốc gần 18 triệu người vào năm 2030. Với đà tăng trưởng này, Việt Nam được dự báo sẽ bước vào giai đoạn dân số già từ khoảng năm 2036.
Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông cho nhóm người cao tuổi trở nên ngày càng quan trọng và đòi hỏi sự quan tâm đúng mức từ cơ quan chức năng và cả cộng đồng. Đặc biệt, việc người cao tuổi tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông đang đặt ra nhiều thách thức. Tuổi tác càng cao, thể lực, thị lực và khả năng phản xạ càng suy giảm, kéo theo nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông ngày càng lớn. Đây không chỉ là bài toán về sức khỏe cá nhân, mà còn là thách thức đối với việc quản lý trật tự, an toàn giao thông hiện nay.

Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định độ tuổi tối đa với lái xe trên 29 chỗ là 57 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Còn các xe dưới 29 chỗ, độ tuổi lái xe hiện không giới hạn mức tối đa mà chỉ có mức tối thiểu là 18 tuổi. Luật hiện hành cũng không quy định tuổi tối đa đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng quy định rõ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Tóm lại, người trên 60 tuổi hoàn toàn có thể tiếp tục lái xe ô tô, xe máy nếu đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe và kỹ năng. Việc lái xe không chỉ giúp người cao tuổi duy trì sự độc lập mà còn mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sau tuổi 60, các chức năng cơ bản của con người bao gồm thể lực và trí lực bắt đầu suy giảm rõ rệt. Đặc biệt, các bộ phận như mắt, hệ thần kinh và cơ xương khớp thường bị lão hóa nhanh, ảnh hưởng đến khả năng vận động và xử lý tình huống. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng dễ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, rối loạn tiền đình… Những yếu tố này tác động trực tiếp đến khả năng lái xe an toàn.
Khi thị lực giảm, phản xạ chậm và thể trạng yếu, người già dễ rơi vào trạng thái thiếu quan sát hoặc không xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ trên đường, dẫn đến va chạm. Thực tế ghi nhận không ít trường hợp người cao tuổi vẫn tham gia giao thông bằng xe máy, xe ba gác, thậm chí là ô tô, khi sức khỏe đã giảm sút rõ rệt, phản xạ kém, trí nhớ không còn minh mẫn. Họ không những khó xử lý tình huống bất ngờ trên đường, mà còn dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và người khác.
Đơn cử như vào tháng 4/2023, ông H.N.V (sinh năm 1960) đã điều khiển xe ô tô đâm liên tiếp 17 xe máy trên đường Võ Chí Công, Hà Nội, do đạp nhầm chân ga. Vụ tai nạn liên hoàn khiến 22 người bị thương, trong đó có 3 người bị thương rất nặng.
Hay như vào chiều 27/3/2025, tại Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô Kia Morning do ông Đỗ Hồng T., 84 tuổi điều khiển va chạm với 2 xe máy. Cả hai xe hư hỏng, người điều khiển xe máy bị thương nhẹ. Dù vụ tai nạn chưa gây ra thiệt hại về người, song việc để một người đã 84 tuổi lái xe ô tô khiến nhiều người thực sự lo ngại về khả năng phản xạ và xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực trạng giao thông ở nước ta hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đòi hỏi người tham gia phải hội đủ các điều kiện về sức khỏe, kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống khi lưu thông. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, việc đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này không hề đơn giản. Sự suy giảm về thị lực, thính lực và thể trạng theo tuổi tác khiến khả năng quan sát, phán đoán và phản ứng trước các tình huống giao thông trở nên kém linh hoạt, dễ dẫn đến rủi ro mất an toàn.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người cao tuổi đặc biệt là từ 70 tuổi trở lên nên hạn chế tự điều khiển phương tiện nếu tình trạng sức khỏe không còn đảm bảo. Thay vào đó, gia đình và người thân cần chủ động hỗ trợ, đồng hành khi ông bà, cha mẹ có nhu cầu di chuyển, nhất là trên những quãng đường xa hoặc giao thông phức tạp. Trường hợp không thể sắp xếp thời gian, các gia đình nên cân nhắc phương án thuê xe dịch vụ uy tín để bảo đảm an toàn.
Bởi hơn ai hết, chính người cao tuổi và các thành viên trong gia đình cần có nhận thức rõ ràng về sức khỏe của bản thân, qua đó có sự thận trọng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Theo Congly.vn