Thanh Hóa đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Việc phát triển hạ tầng công nghiêp là nhu cầu cấp bách, thế nhưng nhiều vướng mắc cần lời giải để không làm các nhà đầu tư nản lòng.
Bằng sự đổi mới, khoa học, bài bản, minh bạch và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là nguồn đầu tư nước ngoài. Hàng loạt khu công nghiệp Bỉm Sơn, Lễ Môn, Đông Bắc Ga, Hoàng Long, Giang Quang Thịnh, Phú Qúy…đã và đang triển khai.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cho Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1). Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 2.918 tỷ đồng (tương đương hơn 115,8 triệu USD) và được triển khai tại huyện Triệu Sơn và TP. Thanh Hóa.
Dự án Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những tập đoàn đa ngành lớn của Nhật Bản, thành lập từ năm 1919 với trụ sở tại Tokyo. Trong dự án này, Sumitomo Corporation góp 15% tổng vốn đầu tư, tương đương gần 438 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ các nguồn vốn khác.

Dự án có quy mô sử dụng đất 167 ha, trải dài trên các xã Đông Yên, Đông Văn (TP. Thanh Hóa) và Đồng Tiến, Đồng Thắng (Triệu Sơn). Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là định hướng phát triển phù hợp với chiến lược vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Theo quyết định, nhà đầu tư phải hoàn thành góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá trình huy động vốn được thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất, và tiến độ xây dựng, khai thác cũng không vượt quá 36 tháng. Nhà đầu tư cũng phải ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Trong quá trình triển khai, Sumitomo Corporation phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bồi thường, tái định cư, xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ cho người lao động. Dự án cũng phải đảm bảo việc hoàn trả hệ thống thủy lợi, bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành liên quan như Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp hỗ trợ, giám sát quá trình triển khai. Đồng thời, UBND TP. Thanh Hóa và UBND huyện Triệu Sơn cần thực hiện các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, đảm bảo không có tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, Thanh Hóa hiện đang thu hút nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và phát triển hạ tầng. Trước đó, dự án Khu công nghiệp WHA Smart Technology – Thanh Hóa của doanh nghiệp Thái Lan cũng đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai hạ tầng công nghiệp trên đất lúa gặp phải nhiều khó khăn. Trong đó, mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ đất nông nghiệp. Mỗi nhiệm kỳ, Thanh Hóa chỉ được phép chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang mục đích khác. Khi vượt quá hạn mức này phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung, việc này mất rất nhiều thời gian.
Hiện nay, do công tác quy hoạch, quản lý không ít các hoạt động công nghiệp có thể gây ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và chất lượng nông sản. Chính vì thế mà vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các chủ sử dụng đất.
Chưa kể các loại thủ tục rườm rà, pức tạp khi bồi thường cho nông dân và tái định cư cho những người bị ảnh hưởng thường gặp nhiều trở ngại. Theo quy hoạch thì khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa sẽ bao trùm một phần khu dân cư, không ít mồ mả đang án ngữ giữa cánh đồng.
Để giải quyết những khó khăn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và cộng đồng địa phương, cùng với việc xây dựng các chính sách hợp lý và bền vững. Nếu không, những khu công nghiệp sẽ “mắc kẹt” trên giấy hoặc phải cắt bớt một phần, dẫn tới thiếu các hạ tầng, hạng mục cần thiết.
Theo Congly.vn