Kinhtedothi – Sáng 19/12, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô trong thời kỳ mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các Viện, trường đại học, Sở ngành trên địa bàn TP Hà Nội, cùng các đại diện các DN, các chuyên gia, nhà khoa học.
Lực lượng quan trọng trong sự phát triển xã hội
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định, trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nhân tài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với Hà Nội – trái tim của cả nước, nơi đây, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, mà còn là cái nôi của những ý tưởng sáng tạo, những nghiên cứu khoa học đột phá, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Hà Nội cũng là nơi tập trung đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước với hàng nghìn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, tập trung tại các cơ sở giáo dục đại học (124 trường đại học), viện nghiên cứu (113 viện), phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia)… Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, trong giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đặc biệt, TP đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong quá trình triển khai, TP đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn mong muốn, hiện nay, TP đang khẩn trương xây dựng và triển khai các văn bản để thực hiện Luật Thủ đô. Thành phố rất cần sự vào cuộc và đóng góp ý tưởng kiến tạo, tiên phong của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong việc đưa ra các giải pháp giải quyết các thách thức lớn mà Thủ đô và đất nước đang phải đối mặt. Trong đó không thể thiếu vắng vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong việc tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức để đóng góp vào sự phát triển của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng kỳ vọng vào sự đóng góp của đội ngũ tri thức, nhà khoa học với sự nghiệp phát triển Thủ đô, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, trong thời kỳ mới, sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội đặt trọng tâm vào các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, với động lực cốt lõi là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô với các cơ chế, chính sách đặc thù và vượt trội đã góp phần khơi thông những điểm nghẽn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển Thủ đô trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề.
Trên cơ sở đó, ông Lê Xuân Rao mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia cùng tập trung thảo luận về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững và hiệu quả.
Cần chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các DN đã tập trung thảo luận về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững và hiệu quả.
Đóng góp giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới sản phẩm khoa học công nghệ trọng điểm cho Hà Nội, GS.TS Chu Hoàng Hà – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để thực hiện thành công việc phát triển khoa học công nghệ trọng điểm, Hà Nội cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trình độ cao. Thành phố cần mở rộng cơ hội hợp tác và tìm kiếm nhân tài, có chính sách ưu đãi trong tuyển dụng nhân tài; chính sách ưu đãi và cơ chế đặc thù thu hút nhân tài. Ngoài ra, để tận dụng tốt đội ngũ các nhà khoa học công nghệ trình độ cao và hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất tương đối hiện đại của các Viện nghiên cứu quốc gia và các Đại học lớn đóng trên địa bàn, Hà Nội cần liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để phát triển khoa học công nghệ.
Về giải pháp xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm à thiết kế chip, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam góp ý, đội ngũ trí thức phải được tập hợp, xây dựng với những hình thức tổ chức phù hợp nhằm khơi dậy và thúc đẩy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Điểm quan trọng trong xây dựng đội ngũ trí thức là kiến tạo được các đội hình trí thức với cơ cấu nhân lực về chuyên môn, trình độ, độ tuổi, kinh nghiệm thực tiễn… phù hợp dựa trên sự đồng thuận và đồng chí hướng (về mặt tư tưởng), đồng lòng và đồng tâm (về mặt tinh thần) để tạo sự đồng bộ và đồng tốc (về mặt hành động).
Với vai trò là nơi đào nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội mong muốn TP có chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giảm thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp nhân lực trình độ cao, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và công nghệ sáng tạo… Trong đó tập trung cụ thể vào nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đầu tư đặt hàng đào tạo một số ngành, lĩnh vực chuyên biệt, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo một số lĩnh vực mũi nhọn…; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo kinhtedothi.vn