Chiếu sáng công cộng là nhu cầu tất yếu trong một đô thị hiện đại, nhằm đảm bảo các hoạt động của đô thị được diễn ra an toàn, đảm bảo trật tự an ninh đô thị, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan môi trường và góp phần định vị bản sắc riêng cho đô thị.
Cầu Nhật Tân được trang bị hệ thống chiếu sáng LED mỹ thuật thông minh, hiện đại nhất hiện nay. Ảnh: Khánh Huy |
Bản sắc riêng của đô thị
Có thể nói, vài năm trở lại đây lĩnh vực chiếu sáng công cộng (CSCC), ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã được các cấp lãnh đạo thành phố Hà nội đặc biệt quan tâm và chú trọng. Việc sử dụng hệ thống CSCC không chỉ giảm lượng điện tiêu thụ, giảm tai nạn giao thông mà còn nâng cao được độ an toàn, an ninh ở khu vực công cộng, làm đẹp cảnh quan đô thị… Đặc biệt, việc tiết kiệm năng lượng tại các tuyến đường, tòa nhà, cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện sẽ giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến mục tiêu của cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc sử dụng công nghệ chiếu sáng để làm đẹp, tạo điểm nhấn về đêm, đặc biệt cho các công trình di sản văn hóa-kiến trúc ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ hướng đến mục đích cảnh quan, ấn tượng từ các công trình này có ý nghĩa thu hút sự chú ý của khách tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong tổng thể kinh tế đêm-một lĩnh vực đang được hầu hết các đô thị quan tâm.
Tại trung tâm TP Hà Nội nhiều khu di tích và công trình di sản lịch sử văn hóa cũng đã và đang tiến hành trang bị hệ thống chiếu sáng đô thị như: hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Khuê Văn Các bên trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Cột Cờ Hà Nội… trở nên lung linh, huyền ảo hơn trong đêm, nhờ công nghệ chiếu sáng hiện đại.
Gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tọa lạc tại tòa nhà có lịch sử xây dựng được gần 100 năm, cũng tiến hành thử nghiệm mô hình tour đêm với chủ đề Hồn quê làng Việt. Chương trình nhằm nhân lên giá trị của công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương, kết hợp giới thiệu đến du khách chọn lọc một số cổ vật/bảo vật hiện được lưu giữ tại bảo tàng.
Nâng tầm cho chiếu sáng đô thị Hà Nội
Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ rằng, hệ thống CSCC của Hà Nội dù đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, chưa đáp ứng kỳ vọng cho một thành phố thông minh. Theo các chuyên gia đô thị, chiếu sáng hiện nay không chỉ nhằm vào an ninh an toàn mà nó còn hướng tới giá trị thẩm mỹ, không khí đô thị và tiện nghi thị giác, cũng như làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị.
Khuê Văn Các tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên lung linh soi bóng giếng Thiên Quang dưới tác động của công nghệ ánh sáng. Ảnh: Khánh Huy |
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) Thái Trần Đức, đơn vị quản lý, vận hành 90% hệ thống chiếu sáng thành phố. Ngoài gần 70% tủ điều khiển chiếu sáng được điều khiển từ trung tâm, thì hiện công ty vẫn đang tập trung nhân lực để hoàn thành việc đóng, cắt, cân pha vận hành cho hơn 30% các tủ chiếu sáng còn lại. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về chiếu sáng phục vụ an toàn tại các tuyến giao thông có lưu lượng lớn, nút giao thông quan trọng, cũng như bảo đảm an ninh, trật tự đô thị ở các khu dân cư.
Cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chiếu sáng công cộng, trong những năm qua, Hapulico đã tham mưu UBND TP từng bước đưa đèn LED vào sử dụng trong hệ thống chiếu sáng công cộng, thay thế cho đèn phóng điện truyền thống, qua đó giảm 50% điện năng tiêu thụ.
Các chuyên gia đô thị cũng kiến nghị, để đảm bảo khả năng điều khiển, giám sát tập trung hệ thống CSCC trên phạm vi toàn thành phố, hướng tới một đô thị thông minh, Hà Nội nên quản lý tập trung vận hành, duy tu hệ thống CSCC trên các tuyến đường thuộc thành phố quản lý, đặc biệt trên địa bàn 12 quận nội thành bao gồm cả chiếu sáng ngõ xóm.
Với sự quản lý thông minh của chính quyền đô thị và sự đồng hành tham gia của xã hội, chiếu sáng và nghệ thuật chiếu sáng thông minh sẽ góp phần làm cho đô thị Hà Nội trở thành Thủ đô đáng sống, hạnh phúc, thân thiện với môi trường, với người dân và góp phần thu hút thêm du khách bốn phương.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND (ngày 7/3/2023) hướng tới mục tiêu bảo đảm chiếu sáng theo quy chuẩn, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện; đạt tỷ lệ 100% đường đô thị, tối thiểu 80% ngõ, xóm được chiếu sáng; nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đô thị, nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng tái tạo trong chiếu sáng công cộng đô thị… |
Hà Nội: Tích cực đưa công nghệ điều khiển trung tâm vào công tác quản lý vận hành chiếu sáng | |
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED |
$(document).ready(function(){
var child = $(‘#__MB_MASTERCMS_EL_3’).children();
var childLength = child.size();
var half = Math.round(childLength/2);
child.slice(0,half).wrapAll(‘
‘);
child.slice(half).wrapAll(‘
‘);
$(‘.hna-PC_InRead’).insertAfter($(‘#divfirst’));
})
Theo phapluatxahoi.kinhtedothi.vn