VN-Index duy trì sắc xanh nhờ lực cầu mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột và sự dẫn dắt từ nhóm ngành tiện ích, tiêu dùng.
Ngân hàng dẫn dắt thị trường
Phiên giao dịch cuối năm Giáp Thìn phân hóa mạnh, nhóm ngân hàng dẫn dắt thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, VN-Index tăng 5,42 điểm (+0,43%), đạt 1.265,05 điểm; trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,34 điểm (+0,15%), lên mức 223,01 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 432 mã tăng và 301 mã giảm, cho thấy tâm lý tích cực lan tỏa trên toàn sàn.
Trong rổ VN30, sắc xanh chiếm ưu thế với 20 mã tăng, 5 mã giảm, và 5 mã tham chiếu. Các mã như MSN, GAS, LPB, và GVR là động lực chính, đóng góp hơn 2,1 điểm tăng cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, FPT, HPG, BSR, và HVN chịu áp lực bán nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng chung.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán hôm nay sụt giảm nhẹ so với phiên trước, khi tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 13.600 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt hơn 12.200 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được nhà đầu tư “gom” mạnh, với LPB +1,56%, HDB +1,12%, EIB +1,12%, NAB +3,05%, OCB +2,75%, VCB +0,11%, BID +0,25%, ACB +0,2%, SHB +0,49%, TPB +0,61%, VIB +0,98%, …
Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được nhà đầu tư “gom” mạnh, với NLG +6,58%, TCH +5,56%, PDR +2,69%, NVL +2,29%, BCM +1,91%, TDC +6,96%, …
Ngược lại, cổ phiếu DIG -2,75%, KBC -1,36%, HDC -0,21%, SZC -0,94%, SIP -0,61%, …
Ngành tiện ích dẫn đầu mức tăng với +1,32%, nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu GAS (+1,34%), POW (+0,44%), TTA (+0,73%), và CNG (+0,32%).
Ngành tiêu dùng không thiết yếu và tiêu dùng thiết yếu cũng tăng lần lượt +1,2% và +0,97%, tiếp sức cho đà phục hồi của thị trường.
Ngược lại, ngành năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất với -0,79%, do áp lực từ các mã PVS (-1,2%), PVB (-1,24%), NBC (-2,88%), và VTD (-2,63%).
Nhóm cổ phiếu ngành viễn thông diễn biến tiêu cực khi không còn sắc xanh. Trong khi đó, ABC, FOX, MFS, TTN đều chốt phiên trong sắc đỏ.
Cùng với nhóm viễn thông, số mã giảm giá tại nhóm công nghệ thông tin cũng chiếm ưu thế.
Các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 318 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung vào các mã: MSN (143,38 tỷ đồng), PC1 (70,71 tỷ đồng), GMD (51,87 tỷ đồng), HDB (50,63 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 12 tỷ đồng, chủ yếu tại các mã PVS (-16,34 tỷ đồng), PVI (-2,75 tỷ đồng), HUT (-1,63 tỷ đồng) và MST (-940 triệu đồng).
GELEX vượt 88,2% kế hoạch năm, cổ phiếu vọt tăng trần
Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bộ đôi cổ phiếu “họ Gelex” ghi nhận sự tăng giá ấn tượng khi được nhà đầu tư “gom” mạnh.
Cụ thể, cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex tăng trần 6,88% lên mức 20.200 đồng/cp, với khối lượng giao dịch khớp lệnh hơn 20,5 triệu đơn vị, gấp gần 10 lần so với phiên trước. Đây là mức giá cao nhất của GEX trong 3 tháng qua, đưa vốn hóa thị trường của Gelex đạt hơn 17.360 tỷ đồng.
Động lực chính cho đà tăng của GEX đến từ kết quả kinh doanh khả quan trong năm tài chính 2024. Gelex ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 33.759 tỷ đồng, tăng 12,5%, và lợi nhuận trước thuế 3.616 tỷ đồng, tăng 158,6% so với năm 2023. Cả doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch đề ra, lần lượt hoàn thành 104,5% và 188,2% mục tiêu năm.
Tương tự, cổ phiếu GEE của Công ty CP Điện lực Gelex cũng tăng trần 6,95%, chốt phiên ở mức 35.400 đồng/cp. Khối lượng giao dịch đạt 810,7 nghìn đơn vị.
Trước đó, ngày 14/08/2024, 300 triệu cổ phiếu GEE chính thức chào sàn HoSE với giá tham chiếu 37.150 đồng/cp. Tuy nhiên, sau khi niêm yết, cổ phiếu GEE lao dốc, chạm đáy ở mức 28.500 đồng/cp vào ngày 12/12/2024.
Tình hình đã đảo chiều kể từ đầu năm 2025, khi giá cổ phiếu GEE liên tục tăng mạnh nhờ vào hoạt động sản xuất kinh doanh thiết bị đo điện khả quan. Hiện tại, vốn hóa thị trường của GEE đạt 10.620 tỷ đồng.
Sự bứt phá mạnh mẽ của “họ Gelex” ngay trước kỳ nghỉ Tết phản ánh niềm tin tích cực của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng của hai doanh nghiệp trong năm 2025.
Theo kinhtedothi.vn